VNM – GAS: Cánh én không làm nên mùa xuân!

16:28 | 03/09/2013 Print
Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ 3 ngày vẫn chưa lấy lại được tinh thần mặc dù áp lực bán của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài không lớn. Rất ít nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường sẽ tăng trưởng trong tháng 9, bằng chứng là dòng tiền vẫn hôm nay vẫn chưa giao dịch mạnh.

Nhà đầu tư trong nước hôm nay hạn chế giao dịch khiến thanh khoản sụt giảm rất mạnh.

Gánh nặng trên vai VNM, GAS

Vận động một cách chậm chạp, thị trường ngày (3/9) giao dịch rất chán nản. Một vài thời điểm giao dịch lóe lên những phút sôi động và hào hứng, nhưng vì thanh khoản quá kém nên không đủ tạo thành được xu hướng. Vài phút đầu phiên sáng, thị trường có những biến động khá tích cực nhờ thông tin hỗ trợ hiếm hoi: Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 8 do HSBC công bố phát đi tín hiệu cải thiện so với tháng 7.

Chỉ số này cũng mới được công bố gần đây và vẫn chưa thu hút được chú ý nhiều của nhà đầu tư, đơn giản vì không dễ để diễn giải những con số khô khan thành một thông điệp cụ thể về kinh tế vĩ mô. PMI là một chỉ số tổng hợp xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ các nhà quản trị mua hàng tại khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, với ranh giới 50 điểm. Trên mức này nghĩa là sản xuất đang mở rộng và thấp hơn là sản xuất bị thu hẹp. PMI tháng 8 được 49,4 điểm, về mặt ý nghĩa, thể hiện hoạt động sản xuất vẫn chưa phục hồi. Tuy nhiên do chỉ số này có tăng trong 4 tháng vừa qua nên cũng có thể diễn giải rằng có sự cải thiện nhất định.

Nói chung trong suốt thời gian công bố PMI, TTCK Việt Nam ít phản ứng rõ nét với số liệu này. Sáng nay nếu không nhờ VNM, GAS, BVH tăng mạnh đầu phiên thì VN-Index cũng khó bật lên được. VNM đầu phiên tăng 3,85%, GAS tăng 2,34% và BVH tăng 2,79%. Những cổ phiếu này tăng mạnh không hẳn là vì số liệu PMI. GAS đang ở mức thấp nhất trong vòng một tháng giao dịch, VNM thấp nhất kể từ đầu tháng 7 còn BVH đang ở mức đáy từ đầu năm 2013.

Suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch, hầu hết các cổ phiếu từ lớn đến nhỏ đều suy yếu dần. Gánh nặng của thị trường đặt hoàn toàn lên vai của GAS và VNM. May mắn là áp lực bán tại những cổ phiếu này không lớn nên duy trì được mức tăng giá khá ổn định. GAS đóng cửa vẫn tăng 1,56% và VNM tăng 2,31%. Thanh khoản của GAS ở mức thấp nhất trong 4 phiên. VNM cũng không hơn gì, giao dịch kém nhất trong 2 tuần.

Khác biệt lớn thể hiện trên chỉ số với tác động từ GAS và VNM, là VN-Index chốt phiên hôm nay chỉ giảm nhẹ 0,11% so với tham chiếu, nhưng VN30-Index giảm tới 0,62%. Các cổ phiếu lớn – trừ GAS và VNM – lại là những mã tác động xấu nhất đến thị trường. Hầu hết các mã trong rổ HSX30 đều chuyển từ tăng giá sang giảm giá theo thời gian. Biến động này thể hiện sự suy yếu do sức mua kém. BVH giảm 0,84%, MSN giảm 0,61%, VCB giảm 4,05%, DPM giảm 0,75%, VIC giảm 0,8%. Toàn bộ rổ HSX30 chỉ có VNM, VSH, PGD tăng giá.

Rổ cổ phiếu lớn ở HNX cũng khiến sàn này có một phiên giao dịch tệ hại. ACB giảm 0,65%, PVS giảm 0,67%. Các cổ phiếu đầu cơ giao suy yếu đáng chú ý, khiến sàn này không chỉ mất đi hứng thú giao dịch, mà còn tạo nên sự lo lắng: VCG giảm 2,78%, PVX giảm 5%, SCR giảm 1,61%, BVS giảm 1%, KLS giảm 1,2%, PGS giảm 0,98%. Toàn bộ rổ HNX30 không có cổ phiếu nào tăng giá, trong khi 16 mã giảm giá. HNX-Index mất 0,88% và HNX30-Index mất tới 1,32%.

VNM – GAS: Cánh én không làm nên mùa xuân!
Giá trị khớp lệnh

Thanh khoản giảm do dư âm kỳ nghỉ?

Khả năng nâng đỡ thị trường phụ thuộc đầu tiên vào yếu tố dòng tiền. Không có dấu hiệu nào thể hiện dòng tiền tốt hôm nay. Suốt phiên sáng và thêm 15 phút đầu phiên chiều, khi VN-Index vẫn còn tăng điểm, thanh khoản thị trường vẫn rất kém. Từ chối cơ hội mua vào khi giá tăng là dấu hiệu quan trọng thể hiện sự thận trọng cao của nhà đầu tư.

Nỗi lo ngại về hoạt động bán ra của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng không lớn. Với tốc độ giao dịch chậm chạp và thanh khoản quá kém, thường khối ngoại không thể bán ra với khối lượng lớn được. Nếu chấp nhận thoát ra hôm nay, giá hẳn sẽ có biến động giảm mạnh hơn nhiều.

Quả thực quy mô giao dịch của khối ngoại trong phiên này giảm cả hai chiều. Giá trị mua vào giảm từ 110,8 tỷ đồng cuối tuần trước xuống còn 50 tỷ đồng hôm nay. Giá trị bán ra giảm từ 133,2 tỷ đồng xuống còn 59,1 tỷ đồng. Giao dịch bán của khối này chắc chắn ảnh hưởng đến các mã lớn như BVH, CSM, CTG, PET, PPC, STB, VCB, VIC. Tuy nhiên không nhiều trong số các cổ phiếu này sụt giá mạnh.

Ảnh hưởng nếu có của hoạt động bán ra từ nhà đầu tư nước ngoài là do nhà đầu tư trong nước giao dịch quá yếu.

Thực tế lượng vốn tham gia của khối ngoại chỉ chiếm gần 12% ở phía mua và hơn 14% ở phía bán trên HSX. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn cả phiên hôm nay chỉ đạt 497,2 tỷ đồng, thấp nhất trong 4 phiên gần đây. Nhà đầu tư trong nước đột nhiên thu hẹp giao dịch, rất có thể do ảnh hưởng của kỳ nghỉ, nhưng mức giảm là quá lớn (-39% so với phiên trước).

Ngay cả ở các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua, trừ VNM, GAS còn tăng giá, hầu hết vẫn giảm. Như thế tâm lý chủ yếu vẫn là thoát khỏi thị trường. Với lực mua yếu ớt hôm nay, mức giảm khá nhẹ vẫn còn là điều may mắn.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

VNM (32) – (7,6%)

SCR (9,4) – (12%)

GAS (25,3) – (6%)

SHB (9,1) – (11,6%)

BVH (20,6) – (4,9%)

FIT (6,9) – (8,8%)

PVD (18,1) – (4,3%)

PVX (5) – (6,4%)

REE (16,9) – (4%)

VCG (4,3) – (5,5%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam