Bất thường ở VNM, Vn-Index rời xa mốc 500

16:56 | 22/08/2013 Print
Phiên sụt giảm mạnh hôm nay (22/8) hoàn toàn không bất ngờ khi các cổ phiếu lớn gây sức ép lên chỉ số. VN-Index đánh mất ngưỡng 500 điểm một lần nữa và rơi xuống mức thấp nhất trong 12 phiên, chỉ còn 496,12 điểm. Tâm lý nhà đầu tư đang rất yếu.

Nhà đầu tư tranh nhau bán ra trong phiên chiều khiến thị trường sụt giảm rất mạnh.

Chuyện gì ở VNM?

Một trong số những cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường hôm nay chính là “ông lớn” VNM. Cổ phiếu này 5 phiên vừa qua giao dịch rất khác thường. Không có thông tin cơ bản nào đặc biệt làm ảnh hưởng đến giá, nhưng VNM bị bán ra rất mạnh.

Hôm qua VNM đã có một vài biến động khá tốt, phục hồi về cuối phiên và đứng tham chiếu. Sáng nay VNM mở cửa bình thường và giao dịch cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên càng về cuối phiên VNM càng tỏ ra yếu một cách bất ngờ. Giá sụt giảm liên tục và hầu như không có lực mua đẩy lên nào. Đóng cửa giảm tới 2,05%, VNM ảnh hưởng lớn lên HSX.

VNM luôn là cổ phiếu được đánh giá cao và quả thực là mã sinh lời tốt nhất kể từ đầu năm. VNM đã tăng khoản 74% trong hơn 8 tháng, giao dịch rất ổn định. Hiếm có blue-chips nào đạt được mức sinh lời tốt như vậy. VNM cũng là mã không thể thiếu được trong danh mục đầu tư của các tổ chức.

Chỉ trong 5 phiên gần đây, VNM bất ngờ sụt giảm liên tục, mức giảm tính đến hôm nay đã là trên 4%.

Bất thường hơn là hoạt động bán ra chưa từng có trong hơn 2 năm gần đây của nhà đầu tư nước ngoài tại VNM. Tỷ lệ sở hữu tại VNM luôn chật kín, là niềm tự hào của cổ phiếu này. Các giao dịch của khối ngoại đều phải thực hiện qua thỏa thuận trực tiếp. Vậy mà trong 5 phiên vừa qua, VNM lại bị bán ra mạnh mẽ qua các giao dịch khớp lệnh. Khoảng 626.000 VNM đã được bán ra trong 5 phiên, cường độ rất dày đặc.

Nhà đầu tư nước ngoài xả thẳng VNM ra thị trường qua các giao dịch khớp lệnh tạo nên áp lực giảm giá không nhỏ. Thông thường khi tỉ lệ sở hữu của VNM giảm xuống dưới mức tối đa, ngay lập tức có nhà đầu tư nước ngoài khác vào mua lấp đầy trở lại. Đến phiên hôm nay là ngày thứ 6, khối ngoại mới mua vào rất ít, chưa tới 70.000 đơn vị.

VNM cách đây 2 hôm vừa chốt quyền trả cổ tức tiền mặt. Đó cũng là phiên khối ngoại bán ra rất mạnh. Rất khó liên hệ biến động giá của VNM và việc nước ngoài bán ra với các yếu tố cơ bản của VNM. Rất có thể các biến động gần đây chỉ là chốt lời thuần túy. VNM cũng đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay và trên đường tăng, vẫn có các đợt điều chỉnh. Chẳng hạn đầu tháng 4/2013, VNM đã có đợt điều chỉnh gần 7,1%. Tháng 6/2013 VNM cũng điều chỉnh gần 7,3% trong 12 phiên. Mức độ điều chỉnh 6 phiên vừa qua cũng chưa phải là nhiều với VNM. Tuy nhiên trong các đợt điều chỉnh trước, chưa lúc nào VNM bị khối ngoại xả hàng mạnh như vậy.

Thị trường bắt đầu hoảng sợ

Khó có thể tìm được lý do cụ thể nào lý giải các biến động giảm giá hôm nay. Những thông tin vĩ mô chẳng hạn như CPI đã khá cũ. Tuy nhiên một mối lo ngại mơ hồ đang bao trùm thị trường. Điều này thể hiện rất rõ trong không khí giao dịch.

HSX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

889 tỷ đồng (+3%)

50,9 triệu đơn vị (-)

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

161,5 tỷ đồng (+0.5%)

18,6 triệu đơn vị (-7%)

Ngay từ phiên sáng, thị trường giao dịch chậm chạp như thể nhà đầu tư quá thận trọng. Thanh khoản suy giảm, cổ phiếu từ từ đi ngang rồi sụt giảm dần. Sáng nay cũng không có sự hoảng loạn rõ rệt nào. VN-Index hình thành xu hướng điều chỉnh suốt từ 10h nhưng độ dốc thoai thoải. Kết thúc phiên sáng VN-Index cũng chỉ giảm 0,49%, mức giảm khá nhẹ.

Nếu có điều gì bất ổn trong sáng nay thì chỉ là những dấu hiệu mơ hồ về thanh khoản và nhịp điệu giao dịch. Nhà đầu tư đặt lệnh thận trọng, không xuất hiện các cổ phiếu đột biến. Số lượng cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu chiếm phần lớn.

Sự lo ngại mơ hồ phần nào chuyển thành rối loạn trong buổi chiều. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là tình trạng bán tháo ở nhiều cổ phiếu trong khoảng thời gian trước 14h. VN-Index sụt rất mạnh xuống tận 494,4 điểm, giảm 1,65% so với tham chiếu. HNX-Index cũng giảm 1,23%, xuống 61,61 điểm, thấp nhất trong 6 phiên.

Hàng trăm cổ phiếu giảm giá trên hai sàn và mức giảm lớn hơn nhiều so với phiên sáng khiến tâm lý thị trường rất u ám. Đợt sụt giảm chiều nay khá giống với phiên trước, nhưng mức độ lớn hơn nhiều. Hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ giảm cực mạnh: VNM mất 2,05%, VCB mất 2,61%, GAS mất 1,45%, BVH giảm 2,15%, DPM giảm 1,91%... Một vài cổ phiếu trong số này có phục hồi trở lại sau đó nhưng không đủ sức kéo VN-Index lên bao nhiêu.

Sàn Hà Nội cũng nặng nề không kém: SHB giảm 3,03%, PVS giảm 1,24%, VCG giảm 0,87%, SCR giảm 3,08%, VND giảm 2,3%, BVS giảm 1,92%, KLS giảm 1,18%... HNX-Index đóng cửa phiên hôm nay mất 0,85%.

Với cả hai chỉ số chính sụt giảm mạnh và 264 mã giảm giá ở hai sàn, chắc chắn phiên giao dịch hôm nay không phải là điều chỉnh bình thường. Đã có những dấu hiệu hoảng loạn diễn ra và nhà đầu tư tranh nhau cắt giảm khối lượng cổ phiếu nắm giữ xuống. Một đợt chen nhau hạ giá giữa phiên chiều nay đã xảy ra. Mặc dù ảnh hưởng ở các cổ phiếu lớn như VNM, VCB là quan trọng, nhưng thời điểm đó cũng có trên 300 mã giảm giá. Xu hướng thoát khỏi thị trường hẳn đã diễn ra trên diện rộng mới có thể gây nên tình trạng đó.

Thị trường đuối đến mức một vài đốm sáng tăng giá đáng chú cũng không có. Vài giao dịch đáng kể ở HSX như với CMX, BBC thực ra giá trị giao dịch cũng rất nhỏ. Sàn Hà Nội có SD5, CMI cũng có thể coi là giao dịch trội hơn số còn lại, nhưng thanh khoản hơi thấp. Mặt khác, phần lớn cổ phiếu tăng giá mạnh hôm nay đều có thị giá quá thấp, nằm trong số ít được chú ý vì thanh khoản kém.

Một vài đốm sáng ở những góc khuất không khiến thị trường có được màu sắc tươi sáng. Một phần lớn nhà đầu tư chấp nhận bán rẻ để thoát khỏi thị trường, bộ phận khác tạm dừng giao dịch. Thanh khoản không được cải thiện. Tâm lý nhà đầu tư như đang rất yếu.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

VNM (69) – (7,8%)

SHB (16,2) –(10%)

REE (47,6) – (5,4%)

PVS (15,8) – (9,8%)

GAS (42,2) – (4,7%)

SCR (15,6) – (9,6%)

VIC (41,8) – (4,7%)

FIT (11,7) – (7,2%)

HAG (35,5) – (4%)

PGS (10,7) – (6,6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam