CPI tăng trở lại, bảng chứng khoán "đỏ lòe"

09:16 | 25/07/2013 Print
Bảng điện tử đỏ lòe trong phiên giao dịch 24/7 và VN-Index chính thức mất mốc 500 điểm khoảng 10h. Còn giao dịch lại tĩnh lặng một cách kỳ lạ!

Nhà đầu tư lo ngại khả năng nới lỏng tiền tệ những tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng của đà tăng trở lại của lạm phát.

Áp lực cổ phiếu lớn

Sáng nay, số lượng cổ phiếu tăng giá trên HSX sụt giảm nhanh chóng trước khi chỉ số xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý. Điều đó thể hiện áp lực giảm diễn ra trên diện rộng. Số cổ phiếu chuyển từ tham chiếu sang giảm giá tăng lên rất nhanh và đến cuối phiên sáng đã có hàng trăm mã giảm giá. Hiện tượng giảm sàn la liệt chưa xuất hiện.

Ảnh hưởng lớn nhất, tác động quyết định bẻ gãy ngưỡng 500 điểm của VN-Index vẫn là số ít cổ phiếu lớn. VNM lúc 10h giảm 1,4%, GAS giảm 0,8%, VIC giảm 0,79%, MSN giảm 2,65%, VCB giảm 1,1%... VN-Index lùi sát tới ngưỡng 500 điểm nhưng vẫn dập dình chưa rơi hẳn xuống.

“Cú đẩy” quyết định ở những mã lớn với mức sụt giảm mạnh hơn đã kéo chỉ số này rơi thẳng về 495,2 điểm trong khoảng 50 phút sau đó.

Tất cả các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều sụt xuống mức giá thấp mới và tạo đáy đồng thời với VN-Index. Mức giảm ở các cổ phiếu lớn còn lại trong rổ VN30 nhẹ hơn, nhưng ảnh hưởng rất rộng. Toàn bộ rổ thời điểm VN-Index tạo đáy chỉ có MBB đứng tham chiếu, còn lại giảm rất mạnh.

Một điều khá bất ngờ, là đà giảm của chỉ số thoai thoải và kéo dài, chứ không xuất hiện tình trạng hoảng loạn xả hàng ồ ạt.

Dường như nhà đầu tư cũng nhận thấy áp lực giảm điểm chính đến từ các cổ phiếu lớn. Trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng, cầu bắt đáy đã giữ được giá ở những mã lớn, tạo điều kiện cho thị trường phục hồi nhẹ. Các cổ phiếu lớn cũng thu hẹp đáng kể mức giảm như MSN, VNM, GAS, VCB, VIC. VN-Index cuối phiên sáng hé mở chút hi vọng cho sự phục hồi nối tiếp trong phiên chiều.

Tuy nhiên mong đợi đã không xảy ra, áp lực bán ra trong chiều nay thậm chí còn tăng thêm. Nhóm cổ phiếu lớn một lần nữa thổi bay những nỗ lực phục hồi mong manh của các cổ phiếu khác. VNM đóng cửa sụt giảm tới 2,1%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ ngày 25/6 vừa qua.

MSN mới thực sự thê thảm, giảm 3,7% so với tham chiếu, mức giảm mạnh nhất trong 9 phiên. VCB cũng không chịu kém, giảm 2,5%, GAS giảm 3,1%, BVH giảm 3,1%, HSG giảm 3,5%, HAG, HPG giảm 1,9%...

Đóng cửa VN-Index mất chẵn 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ phiên hoảng loạn ngày 25/6 vừa qua. Chỉ với một phiên giảm hôm nay, chỉ số này đã làm bốc hơi nỗ lực tăng của 7 phiên trước đó.

HNX-Index giảm 1,3%, rơi xuốn mức thấp nhất kể từ phiên ngày 12/7/2013.

Mức giảm điểm số hôm nay được cộng hưởng từ sức ép chủ đạo đến từ các mã vốn hóa hàng đầu ở hai sàn. Thêm vào đó là tình trạng mất giá rất rộng. HSX có tới 163 mã giảm giá và HNX cũng có 130 mã.

Hiếm hoi cổ phiếu ngược dòng

Trong tình cảnh toàn thị trường suy yếu nghiêm trọng, không nhiều cổ phiếu đi ngược dòng thành công. Tâm lý lo lắng về rủi ro chung khiến ngay cả các cổ phiếu có thông tin hỗ trợ tốt cũng không có chuyển biến rõ rệt.

Trong rổ HSX30, duy nhất một cổ phiếu còn tăng giá là GMD. Cổ phiếu đã có lúc tăng 2,55% so với tham chiếu, là biểu tượng của khả năng ngược dòng đối với những cổ phiếu cá biệt. Tuy nhiên điểm yếu của GMD chính là thanh khoản, khi càng nhiều nhà đầu tư quan tâm thì mức độ bám sát thị trường càng lớn. GMD đóng cửa chỉ còn tăng 0,36%, hầu như không đáng kể.

Tính chung cả hai sàn thì số cổ phiếu tăng giá cũng có khoảng gần 100 mã, nhưng đáng tiếc phần lớn là giao dịch với khối lượng vài trăm cổ, quá nhỏ để đảm bảo chất lượng của giá. Rất ít cổ phiếu có khả năng tăng tốt với thanh khoản cao như DHM, DCL, CLG… Đây cũng chỉ là những mã có thị giá thấp với giá trị vốn giao dịch nhỏ.

Ngay cả một cổ phiếu tưởng như đủ khả năng ngược dòng hôm nay là HAR – ngôi sao đầu cơ của phiên trước – cũng thất bại. HAR lúc mạnh nhất tăng 4,2% nhờ quán tính kịch trần phiên trước. Dòng vốn đầu cơ suýt nữa làm nên chuyện, đẩy trần HAR phiên thứ hai. Tuy nhiên thị trường chung quá yếu khiến HAR lại chìm trong khối lượng cắt lỗ ồ ạt. Đóng cửa HAR chỉ tăng được 1,2%, thực chất là hai bước giá trên tham chiếu mà thôi.

CPI tăng, lo ngại rào cản lạm phát

Nguyên nhân chính của phiên giảm giá hôm nay được cho là từ thông tin thiếu tích cực liên quan đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7. Trước đó, thị trường đã có những phản ứng không tốt đối với mức tăng trở lại của CPI Hà Nội và TP.HCM. Điều bất ngờ là mức tăng CPI toàn quốc thậm chí còn cao hơn hai thành phố lớn. Điều đó nghĩa là CPI ở các địa phương khác đã cao hơn và kéo CPI cả nước lên cao.

Thị trường thường không thích yếu tố bất ngờ ngoài dự đoán. Việc CPI tăng cao trở lại khiến thị trường lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chính sách nới lỏng tiền tệ những tháng cuối năm.

Tuần trước, nhà đầu tư tỏ ra khá hào hứng với kế hoạch bơm tín dụng những tháng tới đây nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay. Tăng cường bơm tín dụng đồng nghĩa với cơ hội phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp tốt hơn, khả năng vay mượn nguồn vốn rẻ cũng dễ dàng hơn.

Nói chung thị trường chứng khoán rất ưa thích chính sách nới lỏng tiền tệ. Hiếm có đợt giảm lãi suất nào không kích thích thị trường chứng khoán tăng trưởng. Tình trạng ứ đọng tín dụng trong hệ thống ngân hàng gần đây càng phù hợp với sức ép từ Ngân hàng trung ương về việc phải đẩy vốn vào nền kinh tế.

Mặc dù việc CPI tháng 7 bắt đầu tăng trở lại một cách rõ nét vẫn chưa gây sức ép cụ thể về chính sách nào, nhưng phản ứng của thị trường hai phiên gần đây thể hiện mối lo ngại nhất định. Nguy cơ lạm phát tăng trở lại sẽ làm hẹp hơn dư địa của chính sách tiền tệ, khả năng bơm vốn sẽ hạn chế hơn nhằm bảo đảm kiềm chế được lạm phát./.

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam