Thị trường TPCP: Cầu sẽ rất mạnh do lượng đáo hạn lớn

13:54 | 04/07/2013 Print
(TBTCVN) - Theo số liệu thống kê, quý II/2013 có khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) và TPCP bảo lãnh đến hạn lớn nhất của năm 2013 với khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, đây là nhân tố tác động rất lớn khiến nguồn cung (dự báo khá lớn) sẽ được hấp thụ hoàn toàn trong quý này.

Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I, trên thị trường sơ cấp, tổng khối lượng phát hành trái phiếu/tín phiếu vượt kế hoạch điều chỉnh, đạt khoảng 67 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40% so với quý trước và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2012.

Chỉ riêng TPCP đã huy động đạt trên 62,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường thứ cấp, doanh số giao dịch đạt khoảng 70 nghìn tỷ đồng tăng 30% so với quý trước, tương đương khoảng 3 lần doanh số của cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm này, con số huy động được của TPCP đã lên tới 71 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 47% trên tổng lượng TPCP cần huy động cho cả năm 2013. Và theo dự đoán của các chuyên gia, trong năm nay, rất có thể lượng trái phiếu phát hành bổ sung cũng không nhỏ để đảm bảo ngân sách.

Nhận định về xu hướng tín dụng của quý II, nhiều ý kiến đều đồng thuận, tình hình tín dụng ngân hàng được dự báo hồi phục chậm chạp sẽ giúp thanh khoản hệ thống dồi dào. Trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán hoặc rất rủi ro, hoặc có lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn sẽ khiến luồng tiền tiếp tục chảy vào kênh đầu tư TPCP.

Cùng với đó, việc lượng TPCP đáo hạn sẽ rất lớn trong quý này khiến nhu cầu mua trái phiếu của các ngân hàng để bổ sung nguồn đầu tư theo đó cũng tăng theo. Với lượng TPCP và TPCP bảo lãnh khoảng 50 nghìn tỷ đồng (trong đó, khoảng 40 nghìn tỷ đồng là trái phiếu/tín phiếu chính phủ và 10 nghìn tỷ đồng là TPCP bảo lãnh) thì rất có thể nguồn cung ra bao nhiêu thì cầu sẽ hấp thụ hoàn toàn.

TPCP, Tin phieu, NHTM

Lượng đáo hạn TPCP/TPCP bảo lãnh dự kiến khoảng 50 nghìn tỷ đồng trong quý III. Ảnh: T.L

Có một vấn đề hiện tại đang được nhiều người quan tâm đó là sự tham gia của hệ thống ngân hàng thương mại vào thị trường trái phiếu. Số liệu năm 2012 cho thấy, lượng đầu tư tài chính của hệ thống ngân hàng vào trái phiếu đã tăng từ 5 - 7,5% so với năm trước đó.

Và trong năm nay, trong khi việc cho vay đối với doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vẫn chưa thực sự hấp dẫn do rủi ro vẫn khá cao, cộng thêm vào đó là sự hấp dẫn của lãi suất trái phiếu sẽ khiến các ngân hàng “nhắm” vào trái phiếu nhiều hơn vì mục đích an toàn. Và đặc biệt là đảm bảo bù đắp nguồn trái phiếu đã đáo hạn, nhằm đảm bảo an toàn rủi ro tài chính của họ.

Nhiều ý kiến trở nên lo ngại, việc đầu tư quá lớn lượng tiền vào TPCP của các ngân hàng sẽ khiến cho nguồn vốn dành cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, có thể những lo ngại này là hơi sớm, bởi hiện tại nguồn tín dụng ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vẫn còn khá lớn, sự thật ở đây chính là nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng không cao bởi lực cầu của nền kinh tế hiện tại chưa tốt.

Bởi vậy, việc ngân hàng đầu tư nhiều vào TPCP chưa thể ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Và vì thế, điều cần nhất bây giờ chính là cần giải phóng được sức cầu của nền kinh tế, lúc đó doanh nghiệp mới thực sự có nhu cầu vay vốn tín dụng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Với cân đối cung – cầu như đã phân tích ở trên, các chuyên gia cho rằng xu hướng chủ đạo của lãi suất trái phiếu trong quý II là xu hướng giảm điểm. Lãi suất được dự báo sẽ về mức thấp nhất trong năm và có thể hướng tới mốc 7% cho kỳ hạn 2 năm nếu một lần cắt giảm mặt bằng lãi suất điều hành nữa tiếp tục được thực hiện ngay trong quý này.

Tuy nhiên, do mặt bằng lãi suất thời điểm hiện tại đã về mức khá thấp, do vậy các đợt điều chỉnh tăng sẽ nhanh chóng xuất hiện ngay trong giai đoạn đầu quý và trong giai đoạn nửa cuối quý khi lượng đáo hạn có sự giảm sút./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam