Điện tử hóa công tác quản lý thuế phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế

12:13 | 23/07/2021 Print
Công tác cải cách, hiện đại hóa của ngành Thuế được cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế ghi nhận và đánh giá cao. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế vừa đáp ứng mục tiêu về thực hiện Chính phủ điện tử, vừa phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Trên 550.000 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử

Năm 2021, Tổng cục Thuế được giao chủ trì tham mưu xây dựng 21 đề án ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gồm 5 đề án thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 16 thông tư. 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thuế đã hoàn thành 3/5 đề án; đã hoàn thành tham mưu, trình Bộ Tài chính ban hành 8 thông tư.

doanh-nghiệp-áp-dụng-hóa-đơn-điện-tử.jpg
Việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro khi sử dụng hóa đơn. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Cùng với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Thuế đã triển khai nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành, đảm bảo đáp ứng các quy định về chính sách, quy trình quản lý thuế phù hợp với Luật Quản lý thuế mới. Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) thực hiện khai, nộp, hoàn thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng hỗ trợ NNT là cá nhân thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử (NTĐT); triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT)…, nhằm thực hiện được các mục tiêu về thực hiện Chính phủ điện tử.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đến nay, đã có 830.581 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, trên tổng số 833.867 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,61%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 9.735.600 hồ sơ.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế triển khai dịch vụ hỗ trợ khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử ô tô, xe máy; triển khai dịch vụ khai thuế, NTĐT đối với cá nhân cho thuê nhà; triển khai dịch vụ thuế điện tử đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công; mở rộng dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân…

Đối với việc sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế đã thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 255 DN thí điểm áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế và trên 550.000 DN áp dụng HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Số lượng HĐĐT đã sử dụng trong năm 2020 khoảng 2,3 tỷ hoá đơn, chiếm khoảng 50% tổng số hóa đơn sử dụng trong năm 2020.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết thêm, căn cứ quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và yêu cầu quản lý về HĐĐT, Tổng cục Thuế đang hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn về hóa đơn chứng từ; đồng thời nghiên cứu các giải pháp công nghệ, xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống quản lý HĐĐT đáp ứng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Theo đó, hệ thống HĐĐT cần được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng. Từ đó, thực hiện triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố trong 6 tháng cuối năm 2021, trước khi triển khai trên toàn quốc đảm bảo thời hạn đúng theo quy định tại Nghị định 123/2020 của Chính phủ.

Ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành Thuế đã tổ chức phân tích, lập trình, kiểm thử và triển khai các phiên bản nâng cấp các ứng dụng dụng của ngành Thuế đáp ứng sửa đổi, bổ sung về chính sách, quy định, quy trình quản lý thuế, bao gồm: Ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); ứng dụng quản lý ấn chỉ (QLAC); ứng dụng báo cáo tài chính (BCTC); ứng dụng quản lý tem điện tử; ứng dụng kiểm tra nội bộ; ứng dụng nhật ký điện tử (iTNK); ứng dụng thanh tra, kiểm tra (TTR); ứng dụng HTKK; nhóm ứng dụng phân tích rủi ro (TPR); ứng dụng kho cơ sở dữ liệu ngành thuế (DWH); nâng cấp kiến trúc cổng thông tin phục vụ trao đổi thông tin với các đơn vị bên ngoài.

Nâng cấp, triển khai hệ thống ứng dụng quản lý trước bạ, nhà đất; trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước khác như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, cơ quan tài nguyên môi trường…, để xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Chia sẻ về công tác tăng cường hội nhập quốc tế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động hợp tác về thuế với các nước, tổ chức quốc tế gặp nhiều khó khăn, song Tổng cục Thuế đã chủ động tiến hành các hoạt động hợp tác qua các hình thức khác để đảm bảo chương trình hợp tác như tham dự hội nghị/hội thảo trực tuyến với các tổ chức quốc tế OECD, IMF, ADB, UN, SGATAR…

Triển khai các hoạt động tiếp tục hợp tác với các cơ quan thuế Hàn Quốc, Ba Lan, trong đó, nổi bật là các hoạt động hợp tác với Hàn Quốc gồm: tổ chức và tham dự Hội thảo Báo cáo giữa kỳ Dự án Hỗ trợ Cải tiến Hệ thống HĐĐT E-Invoice tại Việt Nam, Chương trình KSP và đề xuất các hình thức khen tặng cho Tổng cục trưởng Cơ quan thuế Hàn Quốc.

Về công tác đàm phán, ký kết Hiệp định thuế, đã trình Bộ Tài chính về việc đàm phán Nghị định thư sửa đổi các Hiệp định thuế với Bru-nây, Đức, Lúc-xăm-bua, Hà Lan và Man-ta; Trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước ủy quyền cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp ký Hiệp định thuế đa phương (đã được Chủ tịch nước phê duyệt tại Quyết định số 765/QĐ-CTN ngày 25/5/2021).

Tiếp tục trao đổi thông tin với các cơ quan thuế nước ngoài đối với 28 trường hợp cụ thể; phối hợp với Diễn đàn toàn cầu thực hiện các công việc tiến tới tham gia ký kết Hiệp định đa phương về Hỗ trợ hành chính thuế (MAC) theo lộ trình và kế hoạch hành động thống nhất giữa Việt Nam với OECD trong năm 2021. Đồng thời, tiến hành thủ tục thỏa thuận song phương theo Hiệp định với cơ quan thuế các nước: Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc và Singapore./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam