Thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

14:08 | 15/07/2021 Print
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thanh tra chuyên ngành lĩnh vực tài chính đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã góp phần chống thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Kết quả trên đã góp phần quan trọng, giúp cho ngành Tài chính đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng và ảnh hưởng lớn đết hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

thanh tra kiểm tra

Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài chính đã góp phần chống thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Thanh tra kiểm tra đối với đơn vị có rủi ro cao

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Tài chính đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra không chỉ nhằm chống thất thu ngân sách, mà còn đảm bảo lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và giúp người nộp thuế nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế.

Để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong bối cảnh yêu cầu đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã tập trung thanh tra, kiểm tra tập trung vào đơn vị có rủi ro cao.

Đối với ngành Thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, thực hiện giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, từng đội và công chức nhằm đảm bảo triển khai hiệu lực, hiệu quả, ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực phát sinh.

Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan như: Bộ Công thương, sở công thương các tỉnh, thành phố; Bộ Thông tin và Truyền thông, các sở thông tin truyền thông để tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet.

Ngành Thuế tăng cường giao dịch điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai cổng thông tin điện tử tiếp nhận hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp tại doanh nghiệp, giảm thời gian thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.

Ngành Thuế cũng tăng cường thực hiện các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn; phối hợp với ngân hàng thương mại rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube... để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế.

Các doanh nghiệp có loại hình kinh doanh thương mại điện tử có rủi ro cao về thuế được tăng cường rà soát, tập trung thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế, bổ sung vào kế hoạch thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế...

Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 8 cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 5.026 tỷ đồng; các đơn vị được thanh tra đã nộp ngân sách nhà nước 100 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thuế, toàn ngành đã thực hiện được 32.209 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra được 323.206 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.963 tỷ đồng, trong đó tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.935 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 828 tỷ đồng; giảm lỗ là 17.200 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hải quan, toàn hệ thống hải quan đã thực hiện 89 cuộc thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ. Tổng số tiền kiến nghị truy thu 181 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp 17 tỷ đồng. Số tiền các đơn vị được thanh tra đã thu nộp ngân sách 103 tỷ đồng.

Tập trung lĩnh vực còn dư địa, có số thu lớn

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài chính sẽ chủ động rà soát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để đề xuất điều chỉnh kế hoạch thanh tra cho phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho cán bộ công chức và hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phòng, chống dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với việc triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc kế hoạch năm 2021 đã được giao, cơ quan thanh tra tiến hành phân tích dữ liệu, rà soát, ưu tiên triển khai sớm những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn…; đồng thời việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19.

Các đơn vị ngành Hải quan tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa...

Các đơn vị hải quan kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá, hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất)...

Đối với ngành Thuế, các đơn vị thực hiện rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số giảm thu ngân sách nhà nước do dịch bệnh Covid-19 gây ra như: thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra.

Cơ quan thuế các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.../.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam