Doanh nghiệp cần cải thiện việc tuân thủ pháp luật về thuế

17:57 | 13/07/2021 Print
Theo chuyên gia thuế của Deloitte Việt Nam, việc vi phạm pháp luật thuế của nhiều doanh nghiệp sẽ làm suy giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần cải thiện tính tuân thủ để tránh được các hệ lụy của hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

dn

Chính doanh nghiệp sẽ trở thành "nạn nhân" từ các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của mình. Ảnh minh họa: TL

Nhiều hệ lụy từ các hành vi vi phạm pháp luật thuế

Dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, việc thanh tra, kiểm tra thuế được xem là một công cụ hữu hiệu để bù đắp thiếu hụt ngân sách tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2021, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Quản lý thuế; rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế và quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý, phòng chống gian lận, trốn thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Đáng chú ý, trong năm 2020, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế có chủ trương hạn chế thanh tra kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, nhưng số thu thuế từ thanh tra kiểm tra vẫn tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019. Điều này chứng tỏ vi phạm pháp luật về thuế vẫn còn phổ biến. Đã có nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với việc bị công khai thông tin xử phạt vi phạm pháp luật thuế. Đây có thể xem là một biện pháp “răn đe” từ phía cơ quan thuế để cảnh tỉnh những doanh nghiệp trước những hệ lụy doanh nghiệp phải đối mặt khi không tuân thủ pháp luật về thuế.

Phân tích về những hệ lụy của các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng giám đốc Tư vấn Thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng, trước hết, bản thân doanh nghiệp sẽ là “nạn nhân” từ hành vi vi phạm của chính mình. Ngoài số tiền thuế bị truy thu, doanh nghiệp còn phải nộp các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp tương ứng. Do vậy, số tiền thuế mà doanh nghiệp bị truy nộp vào NSNN qua thanh tra, kiểm tra có thể còn lớn hơn nhiều số tiền thuế phải nộp theo đúng quy định, khi doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế. Khoản tiền này là không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải giải quyết bài toán khó khăn về nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, giá trị và uy tín doanh nghiệp cũng bị giảm sút, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoặc chuẩn bị chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO). Ví dụ, gần đây một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE đã bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh truy thu gần 400 tỷ tiền thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế và phong toả hoá đơn. Trước thông tin này, cổ phiếu của doanh nghiệp bị đưa vào diện cảnh báo, dẫn đến thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm đáng kể.

Về phía cơ quan chức năng, nhằm xử lý sai phạm về thuế theo hướng minh bạch, quyết liệt hơn, cơ quan thuế đã chuyển một số trường hợp cho cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, việc không tuân thủ các quy định về thuế sẽ tạo ra hệ luỵ trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Khi ngân sách bị thiếu hụt do doanh nghiệp không tuân thủ chấp hành đúng nghĩa vụ thuế sẽ tác động đến nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Cũng theo vị chuyên gia của Deloitte, đứng từ góc độ vĩ mô trong dài hạn, việc vi phạm pháp luật thuế của nhiều doanh nghiệp cộng hưởng lại sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường, làm suy giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Yếu tố minh bạch, công bằng và thượng tôn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quyết định khi cân nhắc đầu tư vào các quốc gia. Vi phạm pháp luật thuế chính là nhân tố làm cản trở sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và tuân thủ kém.

Nên chủ động soát xét, kiểm tra “sức khoẻ doanh nghiệp” thường xuyên

Lưu ý để các doanh nghiệp cải thiện việc tuân thủ tránh được các hệ lụy của hành vi vi phạm pháp luật thuế, ông Bùi Tuấn Minh cho rằng, các doanh nghiệp nên chủ động soát xét, kiểm tra “sức khoẻ doanh nghiệp” một cách thường xuyên, nhằm kịp thời có các giải pháp khắc phục các vấn đề thuế phát sinh.

Việc soát xét này cần được thực hiện định kỳ tối thiểu 1 năm/lần, bao quát các sắc thuế để có phương án nâng cao tính tuân thủ, giảm thiểu rủi ro vi phạm pháp luật thuế. Đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: kinh doanh bán lẻ, xây dựng, sản xuất kinh doanh ô tô xe máy, doanh nghiệp đa ngành nghề; doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn, có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn hoặc các doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế,… sẽ được cơ quan thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2021.

Theo Thông tư 31/2021/TT-BTC về quản lý rủi ro trong quản lý thuế có hiệu lực từ 2/7/2021, cơ quan thuế đã công khai tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ thuế, tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của doanh nghiệp để thực hiện đánh giá, phân luồng doanh nghiệp theo hành vi vi phạm để áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử lý tương ứng. Do đó, theo ông Minh các doanh nghiệp có thể tự rà soát, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro của mình dựa trên các tiêu chí này để điều chỉnh hành vi, khắc phục các sai sót nhằm nâng cao tính tuân thủ.

Ông Minh cũng lưu ý, nhằm đảm bảo hiệu quả của việc soát xét tuân thủ, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn thuế chuyên nghiệp, với hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán, có nhiều kinh nghiệm triển khai tư vấn ở các doanh nghiệp tương tự cùng lĩnh vực, quy mô. Sự đồng hành của các đơn vị tư vấn không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế, nhận dạng triệt để các vấn đề rủi ro trọng yếu về thuế, mà còn tìm kiếm các cơ hội cho doanh nghiệp được hưởng lợi tốt hơn từ chính sách thuế như ưu đãi, miễn giảm thuế, hoàn thuế…

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam