Bài 2: Trục lợi hoàn thuế giá trị gia tăng: Tổn thất ngân sách, hệ lụy môi trường kinh doanh

10:25 | 09/07/2021 Print
(TBTCVN) -Gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ tạo ra sự bất công giữa các DN, sự méo mó môi trường kinh doanh, gây tổn thất cho ngân sách. Theo các chuyên gia kinh tế, để quản lý chặt chẽ nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này, chúng ta cần tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát.

Nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản

Nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: TL

>> Gian nan cuộc chiến chống trục lợi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng

Gian lận hoàn thuế tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là trả lại cho doanh nghiệp (DN) số tiền thuế đã ứng trước theo quy định của pháp luật thuế. Có thể thấy, với số tiền thuế GTGT được hoàn nhanh, nhiều DN quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đang khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, qua thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện rất nhiều DN có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT. Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập tạo thuận lợi thương mại tối đa, các DN lợi dụng chính sách mở để thực hiện nhiều hành vi vi phạm về thuế. Thống kê cho thấy, hiện DN thường sử dụng một số thủ đoạn gian lận hoàn thuế như: khai tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và giảm thuế GTGT đầu ra phải nộp; điều chỉnh thuế GTGT đầu vào và đầu ra không đúng quy định; xác định sai thuế suất đối với hàng hóa…

Thành lập nhiều doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn


Trong một diễn biến gần đây nhất, ngày 31/5/2021, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Theo cơ quan công an, từ tháng 8/2020 đến nay, các đối tượng này đã thành lập hàng chục doanh nghiệp (DN) “ma” để phát hành và bán gần 5.000 số hóa đơn cho nhiều DN trong và ngoài tỉnh, với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn là hơn 1.000 tỷ đồng; ước số tiền các đối tượng thu lời bất chính 200 tỷ đồng. Ngoài ra, khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an TP. Thanh Hóa còn thu giữ được thêm 10 thùng hóa đơn, chứng từ...

Thượng tá Lê Ngọc Anh - Trưởng Ban chuyên án cho biết, nguyên nhân của vụ việc này một phần do quy định về đăng ký thành lập DN, kê khai thuế, quản lý sử dụng hóa đơn, công tác quản lý thuế, kiểm tra DN, giao dịch tại ngân hàng..., còn nhiều điểm thiếu chặt chẽ và bất cập. Nhóm đối tượng này đã lợi dụng những kẽ hở đó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thuế GTGT là một khoản vô cùng quan trọng trong ngân sách nhà nước. Do đó, khi DN có hành vi trục lợi hoàn thuế GTGT sẽ gây tổn thất rất lớn cho nguồn ngân sách. Thực tế cho thấy hiện tượng này tồn tại đã lâu, là “ung nhọt” khiến cơ quan chức năng phải “đau đầu”, bởi chính sách ban hành vừa phải tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng đồng thời cũng phải quản lý chặt chẽ không để xảy ra các hành vi trục lợi thuế.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điều đáng nói có cả DN FDI (có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) thường gian lận kê khai đầu vào bằng cách khai khống giá trị. Hoặc có trường hợp các công ty con có công ty mẹ ở nước ngoài, công ty mẹ áp phí quản lý rất cao lên công ty con để từ đó rất nhiều công ty FDI khai lỗ nhằm không phải đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam. “Đây là một trong những cách trốn thuế. Tất nhiên chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm”, có nhiều công ty FDI làm ăn bài bản, tử tế, tức là khai giá trị thực của nguyên liệu đầu vào cũng như là phải trả mức phí quản lý cho công ty mẹ một cách hợp lý. Những công ty này khi họ khai lỗ thì rõ ràng chúng ta cũng phải chấp nhận” - ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Chuyên ra Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra thêm các hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT rất phổ biến hiện nay như một số DN có hàng hóa nhập khẩu có mẫu mã, đặc tính kỹ thuật giống nhau, khi nhập khẩu thì khai báo giá trị rất thấp nhưng khi xuất khẩu lại khai báo giá trị rất cao.

Bên cạnh đó, theo LS Trương Thanh Đức - Giám đốc Cty Luật ANVI, DN khai các lô hàng xuất khẩu của mình có giá trị rất cao, điều đó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT…


Thậm chí, DN sử dụng thủ đoạn đăng ký kinh doanh với rất nhiều ngành nghề, nhưng thực tế không có trụ sở kinh doanh, kho hàng, thành lập ra DN là để bán hóa đơn GTGT cho các cá nhân và tổ chức hoạt động kinh doanh khác sử dụng vào việc hợp thức hàng hóa buôn lậu, trốn thuế hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước. “Gian lận hoàn thuế GTGT sẽ tạo ra sự bất công giữa các DN, sự méo mó môi trường kinh doanh. DN làm ăn tử tế bị thiệt thòi, trong khi DN gian lận lại sống “khỏe” - Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Nhận diện, tăng cường thanh kiểm tra

Thời gian qua, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu như yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các công việc rà soát các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản... để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT có rủi ro cao; thông qua đó, căn cứ hồ sơ thực tế và đối chiếu với quy định của pháp luật để xử lý về hoàn thuế GTGT theo quy định.

Trong đó, ngành Thuế khi thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT đều thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất các giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật về thuế nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra sau hoàn, cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường tập trung đôn đốc thu hồi hoàn tiền thuế GTGT và xử lý vi phạm về thuế theo quy định. Những trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế được thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan công an theo quy định và kiến nghị khởi tố.

Đáng chú ý, các công ty vi phạm pháp luật về thuế, các công ty có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp đều được công khai thông tin để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp tương tự, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, để quản lý, giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này, chúng ta cần tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra. “Trong đó, đặc biệt là các công ty khai lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, mở thêm chi nhánh, địa điểm bán hàng, mở rộng xưởng sản xuất, thuê thêm người lao động… Song cần lưu ý, DN có các dấu hiệu làm ăn tốt như vậy vẫn có thể lỗ, bởi tốt là tốt về doanh thu, còn lãi thì vẫn có thể không có. Tuy nhiên trường hợp này không phổ biến” - chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nên nghiên cứu tăng phạt thuế khi phát hiện DN gian lận để trốn thuế. Thậm chí nếu họ có những sự khai gian, khai khống nhiều năm thì có thể tính đến rút giấy phép hoạt động.

“Gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, sự méo mó môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp làm ăn tử tế bị thiệt thòi, trong khi doanh nghiệp gian lận lại sống “khỏe” - Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam