Quảng Ninh: Thu nội địa đạt khá trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát

15:25 | 07/07/2021 Print
Đến hết tháng 6/2021, thu ngân sách do Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh thực hiện đạt 17.698 tỷ đồng, đạt gần 55% so với dự toán giao. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, thì đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thuế.

vịnh hạ long

Hoạt động du lịch tại Quảng Ninh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

>> Quảng Ninh: Thu nội địa 5 tháng ước đạt 45% dự toán

>> Quảng Ninh công khai 294 đơn vị nợ thuế, tiền chậm nộp

>> Cục Thuế Quảng Ninh tăng cường phòng dịch sau ca nhiễm trên địa bàn

>> Quảng Ninh kích hoạt các biện pháp thu ngân sách 'mùa dịch'

Thu 6 tháng đạt gần 55% dự toán năm

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói chung và tình hình thu ngân sách của cục thuế nói riêng. Báo cáo cho thấy, hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đều chịu tác động xấu của dịch bệnh. Trong đó, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như: Giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ, ăn uống, lưu trú…

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, chính sách này cũng đã tác động đến kế hoạch hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), cũng như ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Trước tình hình đó, để đảm bảo hoàn thành dự toán năm 2021, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh để triển khai kịp thời các giải pháp thu NSNN 2021.

Hơn 90% người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử

Để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc áp dụng hóa đơn điện tử. Thực hiện đánh giá, xếp hạng công tác triển khai hóa đơn điện tử của các đơn vị theo định kỳ hằng tháng; thường xuyên đôn đốc việc triển khai hóa đơn điện tử. Kết quả tính đến hết tháng tháng 6/2021, có 8.133 người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 90,7% số người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn.

Ông Cao Ngọc Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay từ đầu năm, cục thuế đã phát động các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN được giao.

“Chúng tôi đã giao nhiệm vụ thu NSNN từng tháng, từng quý cho các phòng, các chi cục thuế; phân khai dự toán cho các đội thuế và các công chức thuế. Theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế. Đánh giá, dự kiến ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đến kịch bản thu ngân sách năm 2021. Tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trọng điểm, doanh nghiệp dự kiến có số nộp lớn để đôn đốc, động viên doanh nghiệp nộp theo kế hoạch” - ông Tuấn nói.

Với sự chủ động, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, của cá nhân người nộp thuế và của cả cơ quan thuế, 6 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách do cục thuế thực hiện đạt 17.698 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán trung ương giao, đạt 45,4% dự toán UBND tỉnh giao và bằng 97% cùng kỳ. Trong đó, tiền sử dụng đất thu đạt 2.245 tỷ đồng, đạt 31,9% dự toán, bằng 112% cùng kỳ, tương ứng tăng 249 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Phấn đấu đến cuối năm thu đạt tối thiểu 39.000 tỷ đồng

Đề cập đến tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, để hoàn thành dự toán năm 2021 là hết sức nặng nề, đặc biệt là những ngày cuối tháng 6/2021 đã xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh trong đợt dịch thứ 4.

“Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, để đạt được mục tiêu kép là vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh sẽ quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ đã đặt ra” - ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, dù tiềm ẩn nhiều khó khăn, tuy nhiên toàn thể cán bộ, công chức cục thuế vẫn kiên định mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN được giao, cụ thể là phấn đấu thu đạt tối thiểu 39.000 tỷ đồng, cũng như phấn đấu hoàn thành các mục tiêu khác đã đề ra.

Cùng với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, cục thuế cũng sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý điều hành thu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, nộp ngân sách kịp thời. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn lậu thuế, nhất là công tác kiểm tra thuế tại trụ sơ cơ quan thuế.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước (SIPAS), cải thiện điểm số và thứ hạng của cơ quan thuế.

Về các giải pháp cụ thể mà cục thuế sẽ triển khai, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, giải pháp trước tiên đó là theo dõi chặt chẽ các yếu tố tác động đến tiến độ thu ngân sách. Phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khoản thu. Theo sát tình hình khai thuế, nộp thuế của các doanh nghiệp trọng điểm như: than, điện, xăng dầu, thuế nhà thầu nước ngoài...

“Để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chặt chẽ việc quản lý đăng ký thuế, kê khai, kế toán thuế, hoàn thuế. Rà soát 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, yêu cầu người nộp thuế nộp đầy đủ, đúng hạn hồ sơ khai thuế. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định, đảm bảo đến hết quý III/2021 hoàn thành 75% kế hoạch được giao và đến hết tháng 12/2021 hoàn thành 100% kế hoạch được giao” - ông Tuấn nói.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh việc xử lý nợ theo Nghị quyết 94 của Quốc hội. Tiến hành lập kế hoạch giảm nợ 6 tháng cuối năm. Giao nhiệm vụ đến đơn vị, cán bộ quản lý nợ; phân công, phân nhiệm rõ ràng, gắn trách nhiệm đôn đốc thu hồi nợ thuế cho lãnh đạo đơn vị và công chức được phân công theo dõi quản lý nợ thuế./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam