Quản lý thuế đối với giao dịch liên kết: Quy định của Việt Nam đang tiệm cận với thông lệ quốc tế

10:02 | 30/06/2021 Print
(TBTCVN) - Thời gian qua, việc quản lý thuế với giao dịch liên kết nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia. Nhiều chuyên gia cho rằng, những quy định mới đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Việc quản lý thuế với giao dịch liên kết nhận được sự quan tâm rất lớn

Việc quản lý thuế với giao dịch liên kết nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã phỏng vấn ông Thomas McClelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của EuroCham (Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), đồng thời là Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam.

PV: Ông có bình luận gì về quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết nhằm chống tránh/trốn thuế được quy định tại Việt Nam hiện nay?

tm
Ông Thomas McClelland

Ông Thomas McClelland: Có thể thấy trong thời gian qua, các nhà hoạch định chính sách thuế tại Việt Nam đã thực hiện một công việc phi thường trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hệ thống thuế địa phương và các hướng dẫn quốc tế về chuyển giá. Một ví dụ là giới hạn chi phí lãi vay được trừ quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 năm 2017, được sửa đổi bởi Nghị định 68/2020/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP liên quan đến việc quản lý các giao dịch về tài chính giữa các công ty liên kết của các tập đoàn đa quốc gia. Những quy định mới này đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Một diễn biến tích cực gần đây rất quan trọng mà tôi muốn lưu ý là Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết vào ngày 18/6/2021 dự kiến sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các DN thỏa thuận trước (với Cơ quan thuế) về phương pháp xác định giá tính thuế. Điều này sẽ giúp cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế có được sự ổn định liên quan nghĩa vụ nộp thuế và thu thuế.

PV: Về việc chống vốn mỏng, làm lành mạnh thị trường thì sao, thưa ông?

Ông Thomas McClelland: Các quy tắc vốn hóa mỏng, tức là trong đó một công ty được tài trợ về tài chính thông qua mức nợ tương đối cao là cách truyền thống để hạn chế việc khấu trừ lãi thặng dư quá mức thông qua việc áp đặt tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu mà các quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức và Nhật Bản đã sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, hầu hết các nước ASEAN chưa áp dụng các quy tắc này. Khi OECD xem xét các điểm mạnh của các quy tắc giới hạn chi phí lãi vay như một phần của Dự án BEPS của mình, họ nhận thấy rằng, các quy tắc vốn hóa mỏng rất khó thiết kế và dễ bị né tránh. OECD đề nghị rằng, đối với các nước đang phát triển, một gói biện pháp phải bao gồm giới hạn lãi suất, khấu trừ thuế đối với lãi cho vay và các điều khoản về giá trong giao dịch liên kết, nhấn mạnh bản chất của các giao dịch. Cả ba biện pháp hiện đã được đưa vào quy định của Việt Nam là phù hợp để giải quyết các khoản khấu trừ lãi vay vượt mức cho phép.

PV: Vậy, ông có khuyến nghị gì cho việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết tại Việt Nam, đặc biệt là đối với vấn đề vốn mỏng, để tránh chuyển giá, …?

Ông Thomas McClelland: Việt Nam đã áp dụng phương pháp áp trần lãi vay thay vì quy tắc vốn hóa mỏng, nhưng vẫn có một số điểm có thể cân nhắc thêm.

Lấy Nhật Bản làm ví dụ. Nhật Bản không sử dụng EBITDA làm mẫu số để tính chi phí lãi vay không được khấu trừ. Các quy định của Nhật Bản sử dụng thu nhập chịu thuế đã điều chỉnh khi họ cộng chi phí lãi vay “có khả năng gây hại”, bao gồm cả chi phí lãi vay trả cho các bên liên quan và không liên quan ở nước ngoài vào thu nhập chịu thuế của người nộp thuế. Ngưỡng chi phí lãi vay được khấu trừ của người đi vay sẽ là 20% trên thu nhập chịu thuế đã điều chỉnh đó. Quy tắc này có thể giúp giảm thiểu rủi ro chuyển dịch lợi nhuận (ra nước ngoài) và khuyến khích người nộp thuế vay vốn từ các tổ chức cho vay địa phương (tức là ngân hàng, tổ chức tài chính,…). Ngưỡng 20% cũng giúp người nộp thuế địa phương có thể có thêm động lực tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, qua đó tạo ra thu nhập chịu thuế lớn hơn. Điều này cũng có lợi cho việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường. Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc thêm điều này.

Xét về tổng thể các quy định về quản lý giá giao dịch độc lập trong giao dịch liên kết và thông lệ áp dụng, trong vài năm gần đây, số thu nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động thanh kiểm tra liên quan đã tăng mạnh. Do đó, tôi có thể nói rằng, các quy định hiện hành đã cung cấp cho cơ quan thuế Việt Nam những công cụ hữu hiệu để thực hiện việc đánh giá tính tuân thủ nguyên tắc giao dịch độc lập của doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Đối với những phát triển trong tương lai không chỉ về chuyển giá, tôi dự đoán rằng, những cải cách mang tính trọng yếu của hệ thống thuế Việt Nam có thể xảy ra do những phát triển quốc tế như sự đồng thuận về “Mức thuế tối thiểu toàn cầu” (GMTR) ít nhất là 15% và các yêu cầu đối với công ty lớn nhất phân bổ 20% lợi nhuận trên 10% biên lợi nhuận hoạt động cho các khu vực pháp lý thị trường, bất kể sự hiện diện thực tế.

OECD đã đưa ra cách tiếp cận theo 2 Trụ (2 Pillars) trong vấn đề quản lý thuế đối với các dịch vụ số (digital services). Mặc dù cách tiếp cận theo Trụ 1 (“Pillar 1”) có thể mang lại một số nguồn thu từ thuế thêm cho các khu vực pháp lý thị trường như Việt Nam, nhưng sự đồng thuận về Trụ 2 (“Pillar 2”) có thể ảnh hưởng đến chiến lược thu hút FDI của Việt Nam bằng cách đưa ra các ưu đãi về thuế vì cuối cùng các DN vẫn phải nộp thuế (tại quốc gia mà công ty mẹ tối hậu hiện diện) nếu GMTR của họ không đạt ít nhất 15%. Những diễn biến này sẽ không xảy ra trong năm nay hoặc thậm chí một, hai năm tới. Việt Nam nên chuẩn bị tốt cho những thay đổi như vậy. Tuy nhiên, có khả năng các quốc gia như Việt Nam sẽ muốn đồng ý những ngoại lệ của các quy tắc này để tiếp tục mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài lợi ích hiệu quả từ các ưu đãi thuế, đặc biệt đối với các ngành giá trị gia tăng và những ngành công nghiệp hỗ trợ trong các chuỗi cung ứng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nâng trần chi phí lãi vay thuần được trừ giúp giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp

Theo ông Thomas McClelland, tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, mức trần chi phí lãi vay thuần được trừ/ EBITDA đã được nâng lên từ 20% lên 30% so với quy định cũ. Điều này đã một phần nào đó để giải tỏa áp lực cho nhiều người nộp thuế khi các quy định được ban hành trong bối cảnh Covid-19, Chính phủ cho phép trừ chi phí lãi vay với thu nhập lãi phát sinh từ các khoản vay và tiền gửi ngân hàng và cũng nâng ngưỡng từ 20% lên 30% của EBITDA (chỉ số tài chính phải ánh lợi nhuận hoạt động của DN trước lãi vay và khấu hao) của người đóng thuế.

Ngoài ra, phần chi phí lãi vay vượt quá không được trừ cũng được phép chuyển sang 5 năm tiếp theo, đó là điều công bằng hơn đối với những DN kỳ vọng có lãi từ 2-5 năm sau khi thành lập. Điều này phù hợp với hướng dẫn quốc tế được OECD đưa ra vào năm 2015 trong Hành động BEPS số 4 nhằm hạn chế xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận liên quan đến khấu trừ lãi vay và các khoản thanh toán tài chính khác.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam