Công nghệ thông tin giúp ngành Thuế hoàn thành ‘mục tiêu kép’

17:10 | 25/06/2021 Print
“Trong thời gian tới, Cục Công nghệ thông tin cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thuế, từ đó giúp ngành Thuế hoàn thành mục tiêu kép, vừa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, vừa chống dịch hiệu quả”.

Đó là nhấn mạnh của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2021, do Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế tổ chức.

100% cơ quan thuế các cấp triển khai mở rộng ứng dụng thuế điện tử

Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (CNTT) ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác xây dựng, phát triển ứng dụng CNTT do đơn vị thực hiện đã đáp ứng được yêu cầu triển khai các quy trình, chính sách mới cũng như yêu cầu sửa đổi chính sách nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), giảm số giờ tuân thủ về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

ứng-dụng-công-nghệ-thông-tin-vào-quản-lý-thuế.jpg
Trung tâm điều hành giám sát công nghệ thông tin ngành Thuế. Ảnh: Đức Minh

Bên cạnh đó, Cục CNTT đã tổ chức phân tích, lập trình, kiểm thử và triển khai các phiên bản nâng cấp các ứng dụng dụng của ngành Thuế đáp ứng sửa đổi, bổ sung về chính sách, quy định, quy trình quản lý thuế, như ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); nâng cấp đáp ứng Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Cùng với đó, hoàn thành phân tích yêu cầu nghiệp vụ đáp ứng Thông tư số 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính; đáp ứng nhận tài khoản thanh toán của người nộp thuế (NNT) từ các ngân hàng theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ; đáp ứng trao đổi thông tin mã số công dân với Bộ Công an.

Lãnh đạo Cục CNTT cho hay, trong công tác xử lý tờ khai và kế toán thuế, cục đã thực hiện nâng cấp các nội dung xử lý tờ khai và kế toán thuế đáp ứng các nội dung quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, bao gồm: hỗ trợ cập nhật các quyết định, thông báo và hạch toán nghĩa vụ thuế đối với các khoản thu về đất; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác tài nguyên nước và tiền sử dụng khu vực biển; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; nâng cấp các chức năng nhập, hạch toán các tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân để xử lý ưu đãi miễn thuế cho cá nhân có số thuế phải nộp sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống...

Đặc biệt, cục đã triển khai mở rộng ứng dụng thuế điện tử với hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 828.492 doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 829.135 DN đang hoạt động, đạt 99,92%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 1/1/2021 đến tháng 6/2021 là 9.463.297 hồ sơ.

Tích hợp 150 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Báo cáo của Cục CNTT cho hay, đến nay toàn ngành đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia với số lượng DVCTT mức 3 là 32 TTHC; số lượng DVCTT mức 4: 150 TTHC; số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/1/2021 đến tháng 6/2021 là 11.564.512 hồ sơ.

Ngoài ra, đã triển khai tích hợp dịch vụ đăng ký thuế lần đầu cho cá nhân sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ điền sẵn lên tờ khai đăng ký thuế lần đầu cho cá nhân, hỗ trợ giảm thao tác nhập dữ liệu lên form. Dự kiến sau khi hoàn thành về quy trình sẽ cho phép người dân không cần đến cơ quan thuế để đối chiếu bản giấy hồ sơ đăng ký thuế lần đầu.

Về dịch vụ khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy, từ 30/6/2020, Cục CNTT phối hợp với Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (DNNCN) đã triển khai khai, nộp lệ phí trước bạ (LPTB) điện tử đối với ô tô, xe máy tại Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục CNTT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ DNNCN, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm, Văn phòng Chính phủ, các ngân hàng xử lý các vướng mắc về nghiệp vụ, về truyền nhận dữ liệu trong quá trình triển khai nhằm đảm bảo hoạt động của ứng dụng được ổn định.

Ngoài ra, Cục CNTT đã triển khai dịch vụ tin nhắn giữa cơ quan thuế với NNT; triển khai ứng dụng eTax dành cho thiết bị di động (e.Mobile); hóa đơn điện tử có xác thực; hoàn thuế điện tử; hỗ trợ ứng dụng eDocTC; triển khai hóa đơn điện tử; triển khai các giải pháp sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Ghi nhận kết quả Cục CNTT đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, cùng với xu thế, quá trình chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vai trò của CNTT trong công tác quản lý của ngành Thuế càng quan trọng và phát huy hiệu quả tác dụng.

Tuy nhiên, Cục CNTT cần liên tục đổi mới tư duy, cách thức vận hành, ngoài việc triển khai các dự án công việc chung, cũng cần nắm bắt các công nghệ mới để tham mưu cho ngành lựa chọn các giải pháp ổn định, hiệu quả, bền vững nhất. Đồng thời phát huy vai trò tư vấn đắc lực hơn nữa cho các đơn vị chuyên môn về tính khả thi của yêu cầu nghiệp vụ liên quan, nhất là các vấn đề mới phát sinh như quản lý thuế điện tử xuyên biên giới, quản lý thuế đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử; nâng cấp các phần mềm ứng dụng đáp ứng các thông tư, nghị định về hóa đơn điện tử; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.../.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam