Khi nào áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về giá tính thuế?

13:18 | 24/06/2021 Print
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, giao dịch không có tranh chấp, khiếu nại về thuế được áp dụng cơ chế thỏa thuận.

giao dịch liên kết

Giao dịch không có tranh chấp, khiếu nại về thuế được áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về giá tính thuế. Ảnh minh họa.

Về đối tượng áp dụng của Thông tư 45/2021/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 45), tại Điều 2 Thông tư 45 có quy định: Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai, thực hiện giao dịch với các bên có quan hệ liên kết và có đề nghị của cơ quan thuế về việc áp dụng phương pháp xác định giá tính thuế (APA).

Ngoài các bên có quan hệ giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế và các cục thuế; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng APA trong quản lý thuế cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 45.

Các giao dịch được đề nghị áp dụng APA gồm: giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác.

Giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Giao dịch được đề nghị áp dụng APA với các giao dịch trên đây phải đáp ứng đồng thời các điều kiện như: Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA.

Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ các quy định của Luật Quản lý thuế số 38.

Ngoài ra, giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế; giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế, hoặc lợi dụng hiệp định về thuế sẽ được áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam