Phù hợp xu thế thế giới và chủ trương xây dựng chính phủ điện tử

10:16 | 11/06/2021 Print
(TBTCVN) - Vừa qua, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ quy định bắt buộc các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua, bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.

Người nộp thuế tìm hiểu về chính sách nộp thuế điện tử tại ngân hàng.

Người nộp thuế tìm hiểu về chính sách nộp thuế điện tử tại ngân hàng. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: NM

Sau khi báo chí đăng tải, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội đồng thành viên - Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC cho rằng, đề xuất này phù hợp với xu thế của thế giới và chủ trương của Chính phủ.

PV: Như ông đã biết, vừa qua Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng không giới hạn như quy định hiện hành. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình và cũng có ý kiến không đồng tình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thức: Đề xuất của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt áp dụng không có giới hạn như quy định hiện hành là đề xuất hay, phù hợp với xu thế của thế giới. Đề xuất này cũng phù hợp chủ trương của Nhà nước ta hiện nay về việc quản lý thuế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ kinh doanh tốt hơn; qua đó thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư kinh doanh của mình, hạn chế thấp nhất chi phí ảo, vốn kinh doanh ảo, doanh nghiệp hoạt động ảo...

Ông Nguyễn Văn Thức
Ông Nguyễn Văn Thức

Tuy nhiên, để thực hiện tốt thanh toán 100% qua ngân hàng, thì chúng ta phải có lộ trình từng bước, làm sao gắn liền trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng việc thanh toán bằng chuyển khoản vào thực tế cuộc sống.

Chẳng hạn như giai đoạn đầu, chúng ta quy định toàn bộ chi phí thực tế chi phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp sẽ được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp nếu thanh toán không dùng tiền mặt từ hai triệu đồng trở lên chẳng hạn. Kết hợp với việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử trong quá trình kinh doanh mua bán làm thước đo để ghi nhận mọi chi phí thực tế doanh nghiệp chi ra phục vụ sản xuất kinh doanh... sẽ được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, loại bỏ các hồ sơ rườm rà khác thì việc áp dụng này sẽ đi vào thực tế cuộc sống.

Ngoài ra, phải có chế tài quản lý trong trường hợp các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp... khi bán hàng vẫn thu bằng tiền mặt thì đánh thuế cao, áp dụng thuế khoán, không cho dùng phương pháp khấu trừ…

PV: Thực tế hiện nay cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến. Dưới góc độ quản lý thuế, việc này giúp cơ quan thuế kiểm soát được doanh thu và chi phí. Với người dân, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thuận lợi hơn. Vậy tại sao có nhiều doanh nghiệp không đồng tình với đề xuất này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thức: Việc thanh toán không dùng tiền mặt không những giúp cơ quan thuế kiểm soát được doanh thu và chi phí, mà còn giúp doanh nghiệp làm ăn chân chính quản lý được kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; tránh tình trạng lãi ảo, lỗ thật vì có quá nhiều chi phí chi phục vụ sản suất kinh doanh nhưng không được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vì hồ sơ chứng từ không đầy đủ, báo cáo sổ sách kế toán thì lỗ nhưng quyết toán thuế TNDN lại lãi.

Doanh nghiệp không đồng tình là do họ nhận thấy khi áp dụng chuyển khoản thì họ sẽ mất nhiều thời gian, vì cứ nghĩ đi mua hàng muốn thanh toán thì phải chạy về nhà, về công ty để lập ủy nhiệm chi, ký ủy nhiệm chi, đóng dấu rồi mới chuyển khoản được. Thực tế các tiện ích chuyển khoản online mà hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã có như thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, APP online của từng ngân hàng cài đặt trên điện thoại... dùng thanh toán không bằng tiền mặt rất tiện lợi. Bản thân tôi khi ngồi các quán café làm việc, mua 1 ly cafe có 39.000 đồng hay 49.000 đồng, mở điện thoại lên, bật APP của ngân hàng mình đang có, chuyển khoản chỉ mất chưa đến 30 giây, hoặc đưa cái thẻ cho nhân viên bán cà phê quẹt thanh toán cũng không mất nhiều thời gian là bao nhiêu.

Một lý do khác mà cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp... sợ là do họ có vấn đề về nghĩa vụ thuế, hồ sơ thuế chưa minh bạch, nên giờ chuyển khoản ngân hàng 100% hết thì mọi thông tin đằng sau đó sẽ bị công khai, rất khó nói.

PV: Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, theo ông, ngoài sự vào cuộc của cơ quan thuế, thì Chính phủ cần phải có những giải pháp gì để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt?

Ông Nguyễn Văn Thức: Để làm được việc này, ngoài cơ quan thuế, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải cần có các giải pháp kết hợp, đồng bộ cùng chung tay thực hiện.

Chính phủ ban hành chính sách và các cơ quan liên quan tuyên truyền, tập huấn trước đó khoảng từ 6 tháng đến 1 năm trước khi áp dụng; tránh tình trạng bỡ ngỡ, chưa thống nhất đã triển khai, gây ức chế cho người dân và doanh nghiệp, như thế chính sách sẽ khó đi vào đời sống kinh doanh như chúng ta mong muốn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nên miễn phí khi chuyển khoản để khuyến khích người dùng


Theo ông Nguyễn Văn Thức, trong giai đoạn đầu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng, tổ chức tín dụng nên miễn phí thanh toán khi chuyển khoản nội bộ ngân hàng như Agribank đang áp dụng chẳng hạn, giảm phí, thậm chí là miễn phí nếu khoản tiền chuyển khoản ở mức quy định nào để giúp người dân, doanh nghiệp làm quen và thực hiện giao dịch không bằng tiền mặt.

Bản thân các ngân hàng, hay các tổ chức tín dụng khác, phải đầu tư công nghệ, xây dựng APP ngân hàng cài đặt trên điện thoại, hay phát triển thẻ thanh toán, cây ATM đủ để người dân và doanh nghiệp không phải đợi lâu, hoặc mất quá nhiều thời gian mới làm được thủ tục thanh toán qua ngân hàng.

Nhật Minh (thực hiện)

Nhật Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam