Ninh Bình: Chủ động các phương án thu ngân sách trong bối cảnh chống dịch

07:21 | 10/06/2021 Print
Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng thu nội địa trên địa bàn đạt hơn 6.213 tỷ đồng, bằng 52% so với dự toán hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao, tăng 26% so với cùng kỳ.

cục thuế ninh bình

Cục Thuế tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác thuế tháng 6/2021. Ảnh: CTNB

Chủ động lập kế hoạch và giao dự toán thu sát thực tế

Trong tổng thu nói trên, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất đạt hơn 5.886 tỷ đồng, bằng 54% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 56% so với cùng kỳ.

Một số khoản thu đạt tiến độ cao so với dự toán HĐND tỉnh giao như: Thu thuế bảo vệ môi trường đạt 87%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 72%; thu từ khu vực DNNN trung ương đạt 60%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 59%...

Để đạt được kết quả như trên, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, ngay từ đầu năm đơn vị đã xác định phải thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa đảm bảo số thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Do vậy, trong 5 tháng đầu năm 2021, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình và các đơn vị trực thuộc luôn chủ động triển khai công tác lập kế hoạch hành động để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu.

Đặc biệt, thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, ban lãnh đạo cục thuế đã yêu cầu các phòng, văn phòng thuộc cục thuế và các chi cục thuế khu vực tổ chức triển khai, thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công quản lý và các nhiệm vụ khác được giao, cũng như thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, cơ quan thuế đã hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch gây ra.

Công tác lập và giao dự toán thu NSNN được thực hiện sớm và sát với tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn, tạo điều kiện để các đơn vị nắm bắt tình hình, phân tích, chủ động khai thác tốt mọi nguồn thu.

Song song với đó, Cục Thuế tỉnh đã chủ động xây dựng và thực hiện các phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống, thực hiện quản lý nguồn thu theo từng lĩnh vực, từng địa bàn, từng sắc thuế trên cơ sở nắm chắc trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế

Theo lãnh đạo Cục Thuế Ninh Bình, song song với việc quản lý tốt nguồn thu, đảm bảo thu ngân sách theo dự toán được giao, Cục Thuế Ninh Bình tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế do ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Theo đại diện phòng Tuyên truyền – hỗ trợ của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, trong thời gian qua, cơ quan thuế tỉnh Ninh Bình luôn cập nhật thông tin thay đổi về chính sách thuế để tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế, đồng thời chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của các chính sách mới một cách thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, đảm bảo mọi người nộp thuế tiếp cận và hiểu rõ chính sách của Nhà nước để duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Đơn cử như, Cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp để người nộp thuế tiếp cận và hưởng quyền lợi từ Nghị định 52/2021/NĐ của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Đây được xem như là điểm nổi bật trong việc đưa chính sách vào cuộc sống của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình trong những tháng đầu năm 2021.

Nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định người lao động, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế gửi đề nghị gia hạn một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, phòng chống dịch.

Các phòng nghiệp vụ, các chi cục thuế khu vực cũng đã triển khai ngay việc tuyên truyền, thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế và thực hiện các bước gia hạn nộp thuế theo Nghị định 52.

Các chi cục thuế đã tích cực vào cuộc, giao công chức thuế phụ trách khu vực chủ động liên hệ với người nộp thuế để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đồng thời hướng dẫn cách lập giấy đề nghị gia hạn nộp thuế.

Bên cạnh đó, Cục Thuế cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan và hướng dẫn gia hạn nộp thuế trên trang thông tin điện tử; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông để doanh nghiệp biết và thực hiện chính sách.

Cơ quan thuế cũng chỉ đạo các bộ phận chức năng chủ động phân loại, lập danh sách người nộp thuế được gia hạn theo các nhóm đối tượng quy định tại nghị định, khi người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn sẽ rà soát, đối chiếu, kiểm tra xác định đúng đối tượng.

Đức Minh - Văn Tuấn

Đức Minh - Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam