Đà Nẵng chống thất thu lĩnh vực thương mại điện tử, hoàn thuế

18:38 | 27/05/2021 Print
Để tạo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, kịp thời phát hiện các sai phạm, góp phần chống thất thu thuế, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai kế hoạch chống thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và hoàn thuế.

bán thịt

Hộ kinh doanh nộp thuế khoán tại TP. Đà Nẵng sẽ được rà soát để chống thất thu. Ảnh: Vũ Lê.

>> Đà Nẵng điều chỉnh giải pháp thu thuế trong bối cảnh dịch bệnh

Rà soát tổ chức, cá nhân hoạt động về công nghệ thông tin

Tại TP. Đà Nẵng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đang rất phát triển. Tuy nhiên, để quản lý thuế đối với hoạt động này, cơ quan thuế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trước đòi hỏi phải có giải pháp để quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động này, cùng với việc thực hiện các chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Đà Nẵng cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch chống thất thu thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Chống thất thu đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán

Cùng với chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoàn thuế giá trị gia tăng, kế hoạch của Cục Thuế TP. Đà Nẵng cũng chống thất thu đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Cục thuế đã thực hiện kiểm tra, rà soát công tác lập bộ thuế khoán và bộ lệ phí môn bài năm 2021 đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.

Trên cơ sở công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, các chi cục thuế tham mưu cho UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan ban, ngành phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu ngân sách và chống thất thu thuế. Chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch, giải pháp chống thất thu, khai thác nguồn thu trong lĩnh vực xây dựng tư nhân; vận tải tư nhân; khai thác khoáng sản; xây dựng vãng lai ngoại tỉnh; gian lận thương mại... trên từng địa bàn quản lý.

Ông Lưu Đức Sáu - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng cho biết, để chống thất thu đối với lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này.

“Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, cục thuế yêu cầu các chi cục thuế, các phòng chức năng phối hợp tiếp tục rà soát các cá nhân, tổ chức có địa chỉ kinh doanh trên trang mạng mà Tổng cục Thuế đã cung cấp để phân loại tính chất công việc từng trang mạng (quảng cáo, tiếp thị, bán hàng, cung cấp dịch vụ...), phân loại quản lý thuế (đã quản lý, chưa quản lý) để tổ chức công tác quản lý thuế theo quy định” - ông Sáu nói.

Cùng với việc rà soát, cơ quan thuế cũng phối hợp các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, doanh nghiệp bưu chính... để kiểm tra, đối chiếu số lượng hàng hóa vận chuyển, số tiền thu hộ, nơi đặt kho hàng, giao hàng, nơi tổ chức bán hàng qua phương thức điện tử.

Đối với hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các phòng thanh tra kiểm tra, các chi cục thuế rà soát, thống kê các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thương mại, phân phối có liên kết với các trang thương mại điện tử thuộc các doanh nghiệp trong trong nước và nước ngoài như TiKi, Lazada, Shopee, Newchic.

Đồng thời, rà soát các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube... để xác định tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình thu nhập của cá nhân, tổ chức làm cơ sở đối chiếu hồ sơ khai thuế, xác định rủi ro (chưa kê khai đầy đủ, trốn thuế) để tổ chức kiểm tra theo quy định.

Xác định rủi ro trong sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng

Cùng với việc chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kế hoạch chống thất thu của Cục Thuế TP. Đà Nẵng còn thực hiện đối với hoạt động hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đối với lĩnh vực này, qua rà soát cục thuế đã xác định các doanh nghiệp có rủi cao là các doanh nghiệp cung cấp mặt hàng gỗ dăm, linh kiện điện tử, máy tính. “Chúng tôi đã yêu cầu các phòng thanh tra - kiểm tra, các chi cục thuế tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp này để xác định mức độ rủi ro trong hoàn thuế” - ông Sáu nói.

Không chỉ thu thập thông tin để nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, qua công tác rà soát, thu thập dữ liệu, cơ quan thuế còn nắm bắt được hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

“Việc thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế không chỉ thông qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, mà còn thu thập thông tin dữ liệu từ các nguồn khác như: Thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan giám sát ngân hàng; thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước khác (Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước), qua đơn thư tố cáo...” - ông Sáu chia sẻ.

Khi đã xác định được người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn, bộ phận ấn chỉ, các bộ phận chuyên môn (ấn chỉ, thanh tra kiểm tra) sẽ phối hợp theo dõi chặt chẽ việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn. Kịp thời thông tin doanh nghiệp mới thành lập có thông báo phát hành hóa đơn số lượng lớn, hoặc doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn số lượng tăng đột biến, có số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ nhiều để tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời.

“Chúng tôi cũng yêu cầu cơ quan thuế rà soát các thông tin có nội dung rao mua, bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng internet, mạng xã hội. Xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn, qua đó cung cấp, chuyển thông tin các đối tượng này sang cho cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ” - ông Sáu nói./.

Công Phương - Nhật Minh

Công Phương - Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam