Bộ Tài chính phản hồi chính sách thuế hoạt động chế biến hồ tiêu

21:12 | 24/05/2021 Print
Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nêu kiến nghị và cho rằng, cần phải có định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ “sơ chế” và “chế biến”, vì hiện nay không có quy định cụ thể khiến các cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định hình thức sản phẩm và mức thuế áp dụng.

thuế-tndn-chế-biến-hồ-tiêu.jpg

Cần phải có định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ “sơ chế” và “chế biến”, để xác định hình thức sản phẩm và mức thuế áp dụng. Ảnh: TL

Kiến nghị lên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam và một số doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy chế biến hồ tiêu chất lượng cao cho rằng, đang bị áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 20%, áp dụng cho hình thức sơ chế sản phẩm tương tự các xưởng sản xuất thủ công.

Theo đó, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam kiến nghị áp dụng mức thuế TNDN theo hình thức chế biến là 15% cho các DN có nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn, góp phần giúp các DN giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời khuyến khích được DN đầu tư mạnh hơn cho hoạt động R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN) và chế biến sâu.

Bên cạnh đó, cần phải có định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ “sơ chế” và “chế biến” vì hiện nay không có quy định cụ thể nào khiến các cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định hình thức sản phẩm và mức thuế áp dụng.

Trả lời kiến nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 2, khoản 6 và khoản 7, điều 1 Luật số 71/2014/QH13 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015 đã có quy định về các trường hợp này.

Cụ thể: Đối với thu nhập miễn thuế là thu nhập của DN từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn;… Đối với trường hợp bị áp thuế suất 10%, là thu nhập của DN từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản ở địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn…

Còn trường hợp bị áp thuế suất 15%, được bổ sung tại khoản 3a, điều 13 quy định: thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn.

Bộ Tài chính cũng cho biết, tại điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung khoản 1a, điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC) đã quy định:... thu nhập từ trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của DN được ưu đãi thuế (bao gồm ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế) quy định tại thông tư này là thu nhập từ sản phẩm do DN, hợp tác xã tự trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản (bao gồm cả trường hợp hợp tác xã, DN mua sản phẩm nông sản, thủy sản về chế biến).

Thu nhập của sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản được ưu đãi thuế (bao gồm ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế) quy định tại thông tư này phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên; Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, DN phải xác định riêng thu nhập sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản để được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Đối với thu nhập miễn thuế tại khoản này bao gồm cả thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng (trừ thanh lý vườn cây cao su), thu nhập từ việc bán phế liệu phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.

Sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng của hợp tác xã và của DN được xác định căn cứ theo mã ngành kinh tế cấp 1 của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quy định tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, thu nhập của DN từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản; phát sinh tại địa bàn KTXH đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN; phát sinh tại địa bàn KTXH khó khăn được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10%. Thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn được áp dụng thuế suất 15%.

Đối với hoạt động chế biến nông sản, thủy sản thì thu nhập được ưu đãi thuế TNDN phải thu là thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản và đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a, khoản 1 điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên.

Tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2018 quy định: Mã ngành cấp 1 (01240) – Trồng cây hồ tiêu thuộc cấp 1 A – Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Cấp 1 C – Công nghiệp chế biến, chế tạo không có quy định mã ngành cụ thể đối với hoạt động chế biến hồ tiêu.

Theo quy định pháp luật thuế TNDN nêu trên, hoạt động trồng cây hồ tiêu của DN được ưu đãi thuế TNDN theo quy định. Đối với hoạt động chế biến hồ tiêu, đề nghị Hiệp hội hồ tiêu liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan nhà nước xây dựng trình Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) để xác định mã ngành kinh tế Việt Nam theo quy định của pháp luật chuyên ngành./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam