Nâng cao hiệu quả quản lý thuế doanh nghiệp lớn

16:04 | 23/04/2021 Print
Theo Vụ Quản thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), số lượng các doanh nghiệp vụ này được phân công theo dõi quản lý là trên 400 doanh nghiệp. Số thu nộp ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất lớn, điều này đòi hỏi phải có một mô hình quản lý thuế phù hợp hơn.

Cần nâng cấp để phù hợp với thực tiễn

Đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, các doanh nghiệp (DN) lớn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế, chính sách ưu tiên dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này. Các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh…, thường ưu tiên các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa số 04/2017/QH14).

bộ-phận-một-cửa-cục-thuế-bắc-ninh 65
Cơ quan thuế hỗ trợ người nộp thuế thực hiện pháp luật thuế. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Chia sẻ về thực trạng quản lý các DN lớn hiện nay, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các cơ quan thuế các cấp trên cả nước đều bị giới hạn về thẩm quyền, đặc biệt trong mối quan hệ giữa cơ quan thuế Việt Nam với cơ quan thuế quốc tế. Bên cạnh đó, không một cơ quan thuế nào có đủ thẩm quyền quản lý và có chính sách như chính sách cơ quan Trung ương. Do vậy, việc quản lý DN lớn tập trung sẽ phát huy hiệu quả cho các DN lớn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc quản lý các DN lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia tập trung tại một đầu mối chuyên sâu sẽ mang lại hiệu lực, hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế lớn/khách hàng lớn.

Để có giải pháp quản lý thuế khối các DN này phù hợp với thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg. Theo đó, nâng cấp 3 vụ chuyên môn trước đây được chuyển thành cấp cục là: Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế; Cục Thuế DN lớn; Cục Kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại và phòng chống tham nhũng. Các cục này sẽ chính thức mang tên gọi mới kể từ ngày 20/5/2021.

Tham vấn kinh nghiệm quốc tế quản lý thuế doanh nghiệp lớn

Trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thuế (RARS) của Tổng cục Thuế, Ban quản lý dự án RARS vừa phối hợp với Vụ Quản lý thuế DN lớn đã có buổi làm việc với chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm trao đổi cụ thể về những vấn đề liên quan đến mô hình quản lý thuế DN lớn, đáp ứng mô hình Cục Thuế DN lớn có hiệu lực từ 20/5/2021.

Trao đổi với chuyên gia WB tại buổi làm việc, đại diện Vụ Quản lý thuế DN lớn cho biết, hiện nay, vụ này đang được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao quản lý 6 nguồn thu trực tiếp, bao gồm thu từ dầu thô; các khoản thu từ chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước; thu từ cổ tức lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có trên 30% vốn Nhà nước theo Luật DNNN; thu cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; thu từ các khoản phí, lệ phí trung ương như phí đường bộ, phí visa, phí bầu trời, phí ngoại giao, phí hàng hải, phí viễn thông... Tuy nhiên, tiêu chí nào để xác định đối tượng quản lý là DN lớn vẫn là vấn đề băn khoăn. Đồng thời, theo thông lệ quốc tế, thì ngoài các khoản thu trên, bộ máy quản lý thuế DN lớn có cần bổ sung khoản thu trực tiếp nào khác không cũng là câu hỏi được quan tâm.

Giải đáp để làm rõ hơn các vấn đề cơ quan thuế Việt Nam nêu tại buổi làm việc, chuyên gia của WB cho rằng, tiêu chí xác định DN lớn và phạm vi nguồn thu của đối tượng này là khác nhau, tùy thuộc vào từng nền kinh tế. Tuy nhiên, có một phương pháp áp dụng chung, đó là xác định theo tỷ trọng số thu thuế thu nhập DN tổng thể, bao gồm cả công ty mẹ - công ty con, với tỷ trọng thường chiếm từ 60 - 80% trở lên.

Đối với câu hỏi liên quan đến việc xác định tiêu chí DN lớn căn cứ theo tỷ trọng lĩnh vực ngành nghề hay theo tổng thu nội địa, chuyên gia của WB nhấn mạnh, theo kinh nghiệm quốc tế, đối với một số ngành nghề thì quản lý theo tỷ trọng thu nội địa, đặc biệt là với những tập đoàn, DN đóng vai trò chi phối, chẳng hạn như đối với Tập đoàn Vingroup của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề khác, thì cần phải đưa vào nhóm ngành nghề thuộc quản lý của Cục Thuế DN lớn, bởi những ngành nghề đó có thể rất phức tạp hoặc tiềm ẩn những rủi ro cao như ngân hàng, bảo hiểm. “Nguyên tắc chung, là những DN có tỷ trọng đóng góp số thu lớn, nhất định phải nằm trong phạm vi quản lý của Cục Thuế DN lớn” - chuyên gia WB khẳng định.

Cũng theo chuyên gia của WB, căn cứ theo thông lệ quốc tế, việc xác định các tiêu chí DN lớn thuộc về vấn đề vận hành nghiệp vụ của cơ quan thuế. Do đó, cơ quan thuế có thể điều chỉnh các tiêu chí tùy vào biến động, hoặc tầm quan trọng của các ngành nghề theo từng thời điểm và sẽ tự quyết định các tiêu chí để xác định DN lớn nào thuộc phạm vi quản lý của Cục Thuế DN lớn.

Liên quan đến câu hỏi trong thời gian bao lâu sẽ xem xét đánh giá lại các DN thuộc phạm vi quản lý của Cục Thuế DN lớn, chuyên gia WB gợi mở, việc này nên tiến hành sau khi đã xác định các DN đủ quy mô, tiêu chí để đưa vào nhóm các DN lớn và loại bỏ những DN không còn đáp ứng các tiêu chí nữa. Tuy nhiên, do doanh thu của các DN này thường không thay đổi quá đột ngột, vì thế chu kỳ nên được ấn định trong khoảng thời gian từ 2 - 5 năm. Ngoài ra, chuyên gia tư vấn của WB cũng khuyến nghị, không chỉ xem xét theo dõi những DN đang nằm trong nhóm quản lý của Cục Thuế DN lớn, mà cần xem xét tất cả các DN khác, bởi nhiều đơn vị theo thời gian thì quy mô, vai trò và tầm quan trọng của họ đủ lớn, nên cần thiết phải bổ sung vào danh mục các DN lớn để quản lý./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam