Cắt giảm thuế quan, tăng sức bền cho doanh nghiệp

11:34 | 29/03/2021 Print
(TBTCVN) - Nếu nhìn trước mắt, tất cả các cam kết cắt giảm thuế quan đều có tác động không có lợi đến thu ngân sách, nhưng về lâu dài, đây là giải pháp trực tiếp quan trọng nhất, tăng sức bền cho doanh nghiệp trên con đường vươn ra “biển lớn”. Đây là vấn đề luôn được Bộ Tài chính ưu tiên chú trọng.

Các doanh nghiệp đã cơ bản hoạt động có hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam

Các doanh nghiệp đã cơ bản hoạt động có hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu. Ảnh: Văn Tuấn

Cam kết thuế phù hợp với năng lực sản xuất trong nước

Bộ Tài chính cũng luôn chú trọng tới hệ thống các giải pháp đồng bộ để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, tạo môi trường chính sách thuận lợi, mang tính hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó thể hiện rõ nhất là việc thực hiện các cam kết dài hơi về thuế xuất nhập khẩu.

Ví như cam kết thuế xuất khẩu trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Riêng một số nhóm mặt hàng quan trọng (như than đá, than non, dầu thô, vàng,...) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Tăng tỷ trọng thu nội địa, mở rộng cơ sở thu


Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Trường cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục cơ cấu lại một bước các nguồn thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường quản lý thu, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại...

Đối với Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)...

Trả lời phỏng vấn báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cam kết thuế xuất nhập khẩu được xây dựng trên cơ sở phù hợp với năng lực của ngành sản xuất trong nước. Thuế suất được cắt giảm có lộ trình. Một số nhóm mặt hàng đặc biệt có lộ trình cắt giảm thuế dài hơn. Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động tham vấn, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước để thực hiện hiệu quả cam kết thuế nhập khẩu. Thực tiễn về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất nhập khẩu hiện cho thấy, các doanh nghiệp đã cơ bản hoạt động có hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, toàn diện vào kinh tế khu vực và thế giới.

Chính sách phải coi doanh nghiệp là trung tâm

Trên thực tế, việc tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu cũng đi kèm những thách thức không nhỏ. Đó là xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc cam kết cắt giảm thuế quan.

Để hạn chế tác động tới ngân sách, Bộ Tài chính đã đi đúng hướng khi tập trung cơ cấu lại các khoản thu, tăng thu từ nội địa một cách hợp lý, mở rộng cơ sở thu để bù đắp những thiếu hụt do giảm tỷ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu. Nhờ đó, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu như giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016 - 2018 bình quân đạt 74,8%, năm 2020 đạt khoảng 85,5% trong tổng thu ngân sách.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng các báo cáo đánh giá tác động tổng thể của các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, cũng như các báo cáo hội nhập để chủ động trong điều hành.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đang và sẽ tiếp tục tăng cường hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, pháp luật; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân sách nhà nước nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA của Việt Nam. Đồng thời, ngành Tài chính tiếp tục thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, hải quan..., tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, giảm số giờ làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, kiểm soát hiệu quả xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, còn quá sớm để cho rằng, chúng ta đã thoát khỏi “bẫy kinh tế” của dịch Covid-19. Bởi vì vẫn còn đó những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm; sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, một số ngành nghề vẫn còn rất khó khăn. Đi kèm với đó là năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Tiềm lực tài chính của cả khu vực nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đều đã giảm đáng kể so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19... Tất cả các yếu tố đó đều tiềm ẩn nguy cơ tác động không thuận đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Trong khi cam kết cắt giảm thuế quan của các FTA vẫn tiếp tục theo lộ trình, thì những ảnh hưởng không mong muốn của đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải chấp nhận và đối mặt với thực tế thu ngân sách sẽ bị tác động, cho dù là số thu thuế xuất nhập khẩu hiện chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu ngân sách. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan trong điều hành. Nêu ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Trường cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục cơ cấu lại một bước các nguồn thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường quản lý thu, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại... Ngoài ra, để nâng khả năng độc lập tự chủ, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế, phải tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm.

Bản lĩnh trong điều hành chính sách tài khóa


Do có độ trễ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), dự báo trong điều kiện khả quan nhất (văcxin phòng dịch Covid-19 phát huy tác dụng; kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ V, ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam...) thì cũng phải mất 2 - 3 năm nguồn thu ngân sách mới có thể tăng trưởng cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là thách thức lớn khi chúng ta vẫn thực hiện các cam kết FTA.

Tuy nhiên, chính sách tài khóa an toàn, thận trọng cùng với việc tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại NSNN và nợ công từ trước khi đại dịch xảy ra đã góp phần quan trọng củng cố khả năng chống chịu của NSNN, của nền kinh tế trước đại dịch.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao và đồng tình cho rằng, Bộ Tài chính đã thể hiện được bản lĩnh trong điều hành chính sách tài khóa trong bối cảnh hết sức đặc biệt của năm 2020. Chính sách tài khóa đã góp phần quan trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi các nước tăng trưởng âm, thì năm 2020 Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% là một kỳ tích, là nỗ lực của các cấp, các ngành, sự phối hợp tổng thể, hài hòa của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa - tiền tệ.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam