Bứt phá trong chính sách quản lý thuế thương mại điện tử

10:50 | 25/03/2021 Print
Trao đổi với phóng viên TBTCO, luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty luật TNHH Labor Law cho rằng, dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 là sự bứt phá về chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển.

tập huấn thương mại điện tử

Người nộp thuế hỏi về chính sách thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại hội nghị tập huấn do Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức. Ảnh: Nhật Minh.

PV: Theo dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế số 38, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài khi không hiện diện ở Việt Nam, Bộ Tài chính dự kiến thiết lập cơ chế đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Bà đánh giá như thế nào về quy định này?

- Bà Lê Thị Hồng Vân: Trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã cho ra đời nhiều chính sách có lợi cho các doanh nghiệp trong nước nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đối với chính sách mới như đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tôi cho rằng, đây là một chính sách rất mạnh dạn, bứt phá, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại điện tử toàn cầu phát triển theo đúng xu thế tất yếu.

Chính sách này cũng "xóa đi đường biên giới giữa các quốc gia", thể hiện sự không phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt hơn, chính sách mới đã phá bỏ định kiến về các thủ tục hành chính rườm rà, điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại khi có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Bứt phá trong chính sách quản lý thuế thương mại điện tử
Việc cho phép đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cho tổ chức, cá nhân nước ngoài là một chính sách rất mạnh dạn, bứt phá, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại điện tử phát triển. Ls Lê Thị Hồng Vân

Trong thời gian vừa qua, cả thế giới hứng chịu đại dịch, có rất nhiều các biện pháp cách ly đã được áp dụng, rất nhiều thương gia, đại diện pháp luật của doanh nghiệp nước ngoài về nước mà không quay lại Việt Nam, nhưng việc sản xuất, kinh doanh vẫn hoạt động, do đó, không thể vì việc không thực hiện các nghĩa vụ thuế mà ảnh hưởng đến kinh doanh.

Do vậy, chính sách này thật sự tháo gỡ những vướng mắc mà lại không thất thoát tiền thuế của Nhà nước.

PV: Thông tư cũng nêu rõ ngân hàng thương mại, tổ chức thanh toán trung gian phải có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay. Trường hợp lệnh chuyển tiền không ghi rõ nội dung thanh toán thì ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và gửi thông tin về Tổng cục Thuế. Là luật sư, theo bà quy định này đã đảm bảo chặt chẽ chưa?

- Bà Lê Thị Hồng Vân: Bản thân tôi là người tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp, tôi nhận thấy, quy định này đã đảm bảo các điều kiện cần và đủ cho việc thanh toán, cũng như đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, không thất thoát tiền trong việc quản lý, đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không bị thất thoát tiền thuế do doanh nghiệp trốn thuế, bởi lẽ nguồn tiền ra - vào đều được các ngân hàng thương mại theo dõi, quản lý chặt chẽ.

Tuy vậy, để đảm bảo chính sách này được thực hiện một cách hiệu quả, minh bạch thì cán bộ ngân hàng, hoặc tổ chức thanh toán trung gian phải có sự am hiểu về các quy định pháp luật về thuế, về thanh toán, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp.

PV: Dự thảo thông tư cũng quy định trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện kê khai thuế, hoặc có kê khai nhưng không nộp đủ thuế sẽ bị tính tiền chậm nộp và xử lý vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Với mức phạt như quy định hiện hành, liệu có đủ răn đe?

- Bà Lê Thị Hồng Vân: Cũng giống các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nước ngoài vi phạm các quy định về quản lý thuế như: không thực hiện kê khai thuế, hoặc có kê khai nhưng không nộp đủ thuế thì sẽ bị tính tiền chậm nộp và xử ký vi phạm về thuế theo Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Quy định này là đúng và cần thiết, bởi lẽ như trên tôi cũng đã nêu, các chính sách thuế không “thiên vị” hay phân biệt đó là doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài, không có sự phân biệt đối xử. Do đó, bất kể là doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài vi phạm đều bị xử lý.

Theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm như trên chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền chưa đến 10 triệu đồng là mức cao nhất.

Nhưng, để nhận xét mức phạt này có đủ răn đe hay không, thì không thể đánh giá theo số tiền bị phạt được, bởi vì hầu hết các hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt ở cùng một mức độ như nghị định đã nêu, đối với hành vi vi phạm hành chính ở những lĩnh vực khác, mức xử phạt cũng áp dụng tương tự. Do vậy, không thể áp mức phạt cao hơn mà chỉ mang tính răn đe.

Đối với một doanh nghiệp, việc bị xử phạt vi phạm hành chính lần đầu thật sự là điều không mong muốn, do vậy, doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn để không tiếp tục bị xử phạt.

Còn đối với doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, hoặc vi phạm đến mức bị xử lý hình sự, thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ vào cuộc xử lý theo quy định pháp luật.

PV: Để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử một cách hiệu quả, ngoài việc hoàn thiện về mặt cơ sở pháp lý, thì điều quan trọng tiếp theo là gì, thưa bà?

- Bà Lê Thị Hồng Vân: Các chính sách pháp luật đang dần hoàn thiện, đáp ứng các nhu cầu thực tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động kinh doanh mà không vấp phải bất kỳ rào cản nào.

Tuy nhiên, để những chính sách pháp luật được áp dụng một cách trơn tru, cần có sự hỗ hợ, tuyên truyền sâu sát của các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, báo chí.

Ngoài ra, cần có sự am hiểu sâu, rộng của các cán bộ quản lý thuế cũng như các đối tượng nộp thuế.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam