Thực thi Nghị định 18 về thuế xuất nhập khẩu: Giải quyết nhiều bất cập, vướng mắc

09:31 | 22/03/2021 Print
(TBTCVN) -Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến và có văn bản hướng dẫn các cục hải quan tập huấn, tổ chức thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Cán bộ hải quan hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu chính sách thuế xuất nhập khẩu. Ảnh: HẢI ANH

Cán bộ hải quan hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu chính sách thuế xuất nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Khắc phục hạn chế về thủ tục thuế của Nghị định 134

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan, việc thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP (NĐ18) sẽ mang lại lợi ích cho cả cơ quan hải quan thực thi chính sách và cho người dân, doanh nghiệp (DN). NĐ18 có nhiều điểm mới khắc phục được những điểm chưa hoàn thiện tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP (NĐ134), đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết các vướng mắc về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

So với NĐ 134, NĐ 18 đã giải quyết được bất cập, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu và hoạt động XNK tại chỗ.

NĐ 18 có bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất với hàng hóa XNK tại chỗ cho từng trường hợp để cơ quan hải quan cũng như DN có thể đối chiếu thực hiện, cụ thể: thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế. Hàng hóa đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam nhập khẩu tại chỗ từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước; hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không đáp ứng các điều kiện để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhập khẩu tại chỗ từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Nghị định 57/2020/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Đơn giản thủ tục thuế theo điều ước quốc tế

Cũng theo đại diện Cục Thuế XNK, NĐ 18 có những điều khoản góp phần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu theo hướng đơn giản về hồ sơ, trình tự thủ tục minh bạch công khai, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và DN, thúc đẩy phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, phù hợp với điều ước quốc tế.

Trên thực tế, tại NĐ 134 quy định thẩm quyền miễn thuế của Thủ tướng Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt và giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với hàng hóa nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Hay việc miễn thuế theo điều ước quốc tế liên quan đến nhiều bộ, ngành, do đó thủ tục nhập khẩu hàng hóa bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hoặc tiến độ thi công của dự án.

Chính vì vậy, tại Điều 29a NĐ 18 bổ sung việc miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế.

Trước khi đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế đầu tiên, tổ chức, cá nhân thực hiện thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho cơ quan hải quan (Danh mục miễn thuế). Nghị định cũng quy định hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế; địa điểm thông báo, sửa đổi Danh mục miễn thuế...

Về việc thực hiện NĐ 18, đại diện Cục Thuế XNK cho biết, NĐ 18 có hiệu lực từ 25/4/2021, thời gian chuẩn bị không dài. Để chính sách đi vào cuộc sống hạn chế những vướng mắc, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, đơn vị đề xuất Tổng cục Hải quan tổ chức hội nghị trực tuyến trong toàn ngành. Đồng thời, Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn cục hải quan tỉnh, thành phố tập huấn triển khai NĐ 18 đến toàn thể cán bộ, công chức và phổ biến những điểm mới quan trọng đến cộng đồng DN cùng hưởng ứng thực hiện.

Một số trường hợp không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Theo NĐ 18, từ 25/4, không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế theo quy định như: Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất; hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất; hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm; hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế xuất nhập khẩu (XNK) nhưng không có hàng hóa XNK hoặc XNK ít hơn so với hàng hóa XNK đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.

Không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế XNK quy định về: Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất.

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam