Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Trợ lực cho doanh nghiệp tiếp tục phục hồi

09:25 | 22/03/2021 Print
(TBTCVN) - Việc tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 là rất trúng và kịp thời. Sự hỗ trợ này sẽ là nguồn trợ lực quý báu cho các doanh nghiệp vốn đã tới giới hạn của sức chịu đựng khi Covid-19 tác động.

Việc tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực

Việc tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính Việt Nam.

PV: Để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021. Đây là đề xuất gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đợt 2, sau đợt 1 năm 2020. Tổng quy mô của gói hỗ trợ này ước tính khoảng 115 nghìn tỷ đồng. Ông bình luận gì về động thái này của Bộ Tài chính trong bối cảnh ngân sách còn hẹn hẹp?

Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông Nguyễn Văn Toàn: Đây là một động thái rất đáng hoan nghênh của Chính phủ và Bộ Tài chính. Động thái này là trúng và rất cần thiết. Khi làm được việc này không chỉ đơn thuần hỗ trợ cho sự tồn tại của DN mà còn tạo hiệu ứng xã hội rất tốt. Bởi nếu DN phá sản thì người lao động mất việc, ảnh hưởng tới nhiều vấn đề xã hội...

PV: Theo ông, việc tiếp tục gia hạn tiền thuế và thuê đất lần 2 sẽ có tác động thế nào tới các DN đang trong quá trình phục hồi?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Tác động có thể nhìn thấy rõ nhất là giúp giảm sức ép lớn về mặt tài chính cho DN, giúp DN có thêm nguồn lực (vốn) để tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đối với những DN vẫn còn hoạt động nhưng đã rất “đuối”, đứng trên bờ vực của phá sản, thì việc hỗ trợ này tạo cơ hội hồi sinh cho DN. Đặc biệt, đối với những ngành như hàng không, du lịch là những ngành chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19 thì cần được ưu tiên và giải quyết sớm.

Một hiệu ứng khác nữa là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 đã không thực hiện được vì nhiều lý do. Vì vậy, sự hỗ trợ đợt 2 này cũng góp phần giúp chúng ta có thể tiếp tục thực hiện mục tiêu 1 triệu DN trong thời gian không xa khi khắc phục được Covid-19 cũng như hoạt động của DN.

PV: Việc hỗ trợ này theo ông có tác động gì tới tâm lý của các DN?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Theo tôi, điều chắc chắn là DN sẽ cảm thấy họ được tôn trọng, bởi DN là một phần của nền kinh tế, họ đã không bị bỏ rơi và được hỗ trợ khi khó khăn. Điều này khẳng định tinh thần như Thủ tướng đã cam kết là luôn luôn đặt DN lên vị trí trung tâm, quan trọng, có những thấu hiểu và đồng hành, hỗ trợ với những khó khăn của DN, tạo thêm niềm tin cho các DN vào môi trường kinh doanh, vào Chính phủ, giúp DN yên tâm làm ăn tại Việt Nam.

Việc nhiều DN rất khó khăn, nhưng vẫn tồn tại được thời gian qua cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. Sức chịu đựng này cũng giúp tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. Bởi, không có một điều gì xúc tiến đầu tư tốt bằng chính những DN FDI tại Việt Nam nói tốt cho Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như các quan điểm của Chính phủ đối với nhà đầu tư.

PV: Từ bài học của đợt hỗ trợ lần 1, theo ông, để đợt hỗ trợ mới này thực sự có hiệu quả thì điều quan trọng cần thực hiện là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Để hỗ trợ hiệu quả thì việc thực hiện cần phải có những quyết sách rất cụ thể trong việc tập trung hỗ trợ những ngành nghề nào ưu tiên trước, thời gian gia hạn thế nào. Có thể hơi “tàn nhẫn”, nhưng có những DN dù có được hỗ trợ cũng không đủ khả năng phục hồi thì không nên hỗ trợ.

Tôi đơn cử như một cái cây bị héo, nhưng qua phân tích thấy cây đó còn có thể sống được thì sẽ tưới nước, thúc phân, chăm chút giúp cây đó hồi phục phát triển. Còn cây đã chết hẳn rồi thì có bón bao nhiêu phân, tưới nước thế nào cũng không thể cứu được. Đây là bài toán mà các sở ban ngành cần có phép định lượng để khi xét danh sách hỗ trợ. Hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, có phương pháp và những đánh giá thỏa đáng về hiệu quả của việc hỗ trợ đó.

Từ kinh nghiệm của đợt 1, tôi cho rằng, đợt này hỗ trợ cần được khẩn trương hơn, bài bản hơn. Đồng thời, tránh việc lồng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào khi xét duyệt đối tượng hỗ trợ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ hỗ trợ đợt 1

“Chúng tôi không có thống kê chính thức về các doanh nghiệp (DN) nhận hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất đợt 1, nhưng qua phản ánh từ nhiều hội viên hiệp hội, họ cho biết đã được hưởng lợi từ việc giãn, giảm thuế này. Nhiều thành viên trong hiệp hội mong muốn ở lại hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đó là những tín hiệu tích cực. Ngoài mong muốn về chính sách thông thoáng, các DN FDI muốn được đối xử như các DN Việt Nam, được coi như một bộ phận của DN Việt Nam. Việc hỗ trợ trên là hành động thiết thực cho thấy Nhà nước ta coi DN FDI là một phần của nền kinh tế Việt Nam”. - Ông Nguyễn Văn Toàn.

Thảo Miên (thực hiện)

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam