Áp dụng quản lý rủi ro, chống thất thu thuế

10:58 | 19/03/2021 Print
Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế; đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

>> Ngành Thuế tổ chức lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế

>> Sửa Thông tư hướng dẫn áp dụng APA: Phù hợp thông lệ quốc tế, chặt chẽ hơn trong quản lý thuế

>> Nhiều hoạt động kinh doanh có thể nộp thuế bằng ngoại tệ

Nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế

Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế.

áp-dụng-quản-lý-rủi-ro-trong-quản-lý-thuế
Áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu quả của quản lý thuế, khuyến khích người nộp tuân thủ pháp luật thuế. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 nay là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Thông tư số 156/2013/TT-BTC và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quá trình triển khai áp dụng thời gian qua cho thấy một số nội dung cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, nội dung dự thảo thông tư này quy định một cách bao quát, toàn diện việc áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác…

Việc quy định công khai các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro của người nộp thuế (NNT) nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đánh giá NNT, đồng thời cũng để NNT tự so chiếu các tiêu chí đánh giá để hoàn thiện, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT.

Tiếp cận toàn diện theo mô hình của OECD về phân tích rủi ro

Dự thảo thông tư quy định, cơ quan thuế thực hiện xác định các rủi ro trọng yếu trong việc đăng ký thuế, kê khai thuế đúng thời hạn, nộp thuế đúng hạn và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác của NNT để xác định các rủi ro chính cần được xử lý, NNT có rủi ro lớn và hướng xử lý.

Thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở thông tin quản lý rủi ro, cơ quan thuế tiến hành phân tích rủi ro. Kết quả phân tích rủi ro mang tính kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau. Trong đó, kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với NNT và kết quả xếp hạng NNT là một trong những tiêu chí phân tích rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp cận theo tài liệu của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) với mô hình tam giác tuân thủ có 4 tầng tương ứng 4 mức độ tuân thủ - là mô hình đã được áp dụng khá lâu ở cơ quan thuế của nhiều quốc gia, đến nay chưa có nhân tố nào khác làm thay đổi kết cấu của mô hình này. Vì vậy, dự thảo thông tư đã tiếp cận toàn diện theo mô hình này thay vì 3 mức quy định tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Cụ thể, mức 1: tuân thủ cao; mức 2: tuân thủ trung bình; mức 3: tuân thủ thấp; mức 4: không tuân thủ.

Bên cạnh đó, NNT được đánh giá rủi ro tổng thể và phân loại theo 5 hạng: hạng 1: NNT rủi ro rất thấp; hạng 2: NNT rủi ro thấp; hạng 3: NNT rủi ro trung bình; hạng 4: NNT rủi ro cao; hạng 5: NNT rủi ro rất cao.

Đáng lưu ý, dự thảo thông tư lần này đã bỏ hạng 6 (NNT thành lập dưới 12 tháng) được quy định tại Thông tư số 204, sẽ phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.

Theo Bộ Tài chính, những sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn tại dự thảo thông tư đều nhằm đến mục tiêu đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; đối xử công bằng giữa những NNT bằng việc quy định áp dụng các biện pháp xử phạt đối với NNT có rủi ro cao, vi phạm pháp luật về thuế và lựa chọn tuyên dương, khen thưởng NNT tuân phủ pháp luật thuế; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam