Ngành Thuế tiếp tục đi đầu về cải cách thủ tục hành chính

10:24 | 19/03/2021 Print
(TBTCVN) - Nhóm thủ tục hành chính về thuế vẫn tiếp tục là nhóm dẫn đầu với điểm số cao, mức phí tuân thủ thấp và cũng đứng đầu về mức độ cải thiện trong số 9 nhóm thủ tục được khảo sát.

Hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2020 tại cơ quan Tổng cục Thuế.

Hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2020 tại cơ quan Tổng cục Thuế.

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) vừa được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố, nhóm thủ tục hành chính về thuế vẫn tiếp tục là nhóm dẫn đầu với điểm số cao, mức phí tuân thủ thấp và cũng đứng đầu về mức độ cải thiện trong số 9 nhóm thủ tục được khảo sát.

Thành công nhờ điện tử hóa

So sánh kết quả APCI trong ba năm (2018, 2019 và 2020) cho thấy, kết quả APCI 2020 nhìn chung tốt hơn hai năm trước. Trong số 9 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) được đánh giá, nhóm TTHC về thuế vẫn tiếp tục là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số cao, và mức phí tuân thủ thấp.

Theo kết quả cụ thể, so sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy có 4 trong số 9 nhóm TTHC có cải thiện. Số liệu này phản ánh thực tế trải nghiệm của các doanh nghiệp (DN) đối với kết quả cải cách TTHC của Chính phủ và các địa phương trên toàn quốc nói chung để giảm chi phí tuân thủ trong thời gian qua.

Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC thuế, tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm thuế có được là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Nhóm TTHC thuế khảo sát trong năm 2020 bao gồm 3 TTHC là: hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN; khai quyết toán thuế thu nhập DN; khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ. Điểm APCI của nhóm TTHC thuế đạt 94,7 điểm, chỉ cách 5,3 điểm so với thực tiễn tốt nhất (100 điểm). Với tổng chi phí tuân thủ trung bình là 0,27 triệu đồng/TTHC, nhóm TTHC thuế nằm trong nhóm có chi phí tuân thủ thấp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11 năm 2019, có 99,9% DN kê khai thuế điện tử; 99,6% DN nộp thuế điện tử, 93,6% DN hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Khảo sát APCI 2020 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm thuế, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/TTHC.

Hầu hết các trường hợp thực hiện nhóm TTHC thuế đều không phát sinh chi phí trực tiếp. Đặc biệt, 100% DN được khảo sát đều khẳng định không phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục Khai quyết toán thuế thu nhập DN, Khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và Hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể với DN.

Thời gian và chi phí cho thủ tục hành chính đều giảm

Trong bối cảnh khung pháp luật về nhóm TTHC thuế không có sự thay đổi trong giai đoạn khảo sát APCI 2020 và APCI 2019 (cuối năm 2019 và cuối năm 2018), điểm APCI 2020 của nhóm TTHC thuế tăng 5,5 với điểm so với APCI 2019. Khi so sánh các kết quả về tổng CPTT, thời gian hay chi phí trực tiếp cho việc thực hiện các TTHC trong nhóm TTHC thuế cho thấy gánh nặng chi phí tuân thủ đã giảm đáng kể đối với DN. Điểm nổi bật trong nhóm TTHC thuế là tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói qua 2 năm khảo sát đã giảm từ 24% xuống còn 5%. Điều này cũng phù hợp với thực tế các DN khảo sát đã có kinh nghiệm và lựa chọn việc tự thực hiện thủ tục.

Một điểm khác biệt nữa giữa APCI 2019 và APCI 2020 đối với nhóm TTHC thuế là khảo sát APCI 2020 ghi nhận sự thay đổi tích cực về quá trình làm việc với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế xuống làm việc trực tiếp tại DN trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN. Theo đó, tỷ lệ DN phải làm việc với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế xuống làm việc trực tiếp tại DN, chi phí thời gian và chi phí trực tiếp dành cho việc tiếp đón đều giảm đáng kể.

Theo đánh giá tại APCI 2020, những năm gần đây, ngành Thuế luôn dẫn đầu trong việc cải cách thực hiện TTHC, đặc biệt trong vấn đề điện tử hóa việc thực hiện TTHC nhằm đơn giản hóa việc thực hiện, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN khi thực hiện thủ tục. Qua khảo sát, các DN cũng mong muốn ngành Thuế tiếp tục cải cách và tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất là tính ổn định và mức độ hỗ trợ DN khi sử dụng Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, nhất là những thời gian cao điểm. Thứ hai là đơn giản hoá và chuẩn hoá quy trình thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN, đồng hành và sát sao với DN từ thời điểm DN thành lập và trong suốt quá trình hoạt động để tiết kiệm được thời gian khi thực hiện thủ tục giải thể.

Chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính


APCI cho thấy việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC). Đây cũng là một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch qua biên giới, đầu tư… Thực tế, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong thực hiện TTHC hải quan đã được cơ quan hải quan thực hiện từ 2005 thông qua triển khai toàn diện công tác kiểm tra sau thông quan. Đây không chỉ đơn giản là chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh với doanh nghiệp (DN) từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép” mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước với từng lĩnh vực cũng như thay đổi nhận thức của DN về trách nhiệm kinh doanh của mình.

Qua khảo sát sâu của APCI 2020, DN mong muốn cần có những quy định, khuôn khổ, phương thức cụ thể, rõ ràng và bảo đảm các tiêu chí giảm chi phí tuân thủ cho DN trong công tác hậu kiểm. DN mong muốn công tác này thân thiện và có tính khuyến khích và hỗ trợ DN tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm quy định pháp luật, các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các DN có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam