Phương pháp tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh có gì mới?

09:10 | 18/03/2021 Print
Để việc tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thu thuế, tạo sự công bằng trong xã hội, trên cơ sở nội dung Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

Không phát sinh thủ tục hành chính

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

bộ-phận-một-cửa-cục-thuế-lào-cai.jpg
Người nộp thuế thực hiện pháp luật thuế tại bộ phận một cửa Cục Thuế Lào Cai. Ảnh: Đỗ Lâm

Đối với tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.

Căn cứ các quy định nêu trên của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính dự thảo thông tư hướng dẫn phương pháp tính thuế đối với 6 trường hợp bao gồm: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán); cá nhân cho thuê tài sản; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp; tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.

Theo Bộ Tài chính, các quy định nêu trên không phát sinh thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế.

Căn cứ tính thuế rõ ràng, dễ hiểu

Về căn cứ tính thuế, theo dự thảo thông tư, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế TNCN theo nguyên tắc tính trực tiếp trên doanh thu theo biểu thuế suất toàn phần.

Công thức tính:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT;

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.

Đối với cách tính thuế này, Bộ Tài chính cho rằng, không phát sinh thủ tục hành chính; công tác quản lý thuế đảm bảo hướng dẫn đầy đủ cách xác định số thuế phải nộp theo đúng quy định.

Dự thảo thông tư cũng cho biết, việc xác định doanh thu tính thuế được hướng dẫn theo quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNCN, Luật Quản lý thuế, đồng thời có hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 điều 5 dự thảo thông tư đối với mỗi trường hợp đặc thù.

Cụ thể: doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản phụ thu, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN) mà cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền, không phân biệt có bao gồm thuế hay không bao gồm thuế.

Lý giải về việc sửa đổi, bổ sung cách xác định doanh thu tính thuế, Bộ Tài chính cho biết, trước đây, tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế. Tuy nhiên, theo luật thì doanh thu tính thuế GTGT là doanh thu không bao gồm thuế, doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu đã bao gồm thuế, như vậy, việc tính thuế đối với hộ kinh doanh theo tỷ lệ trên doanh thu sẽ rất phức tạp khi phải quy đổi. Do đó, tại dự thảo thông tư hướng dẫn doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là số tiền thực nhận không phân biệt có bao gồm thuế hay không bao gồm thuế để đơn giản trong cách tính thuế đối với hộ kinh doanh.

Đáng chú ý tại dự thảo thông tư lần này, Bộ Tài chính đã bổ sung doanh thu tính thuế đối với hoạt động vận tải. Theo đó, doanh thu tính thuế đối với hoạt động vận tải là toàn bộ doanh thu cước vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý và các khoản thu khác liên quan đến vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý phát sinh trong kỳ tính thuế.

Bộ Tài chính cho rằng, bổ sung cách xác định doanh thu tính thuế đối với hoạt động vận tải cho phù hợp với thực tế phát sinh trong thời gian qua. Hoạt động tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân trong lĩnh vực vận tải (grab) ngoài doanh thu từ cước vận chuyển hành khách, cá nhân (tài xế) còn nhận các khoản tiền thưởng khuyến khích theo doanh thu ngày, các khoản thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá của khách hàng (mức đánh giá sao).

Do chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này nên các khoản nhận được nêu trên của cá nhân (tài xế) đang được hướng dẫn theo thu nhập từ tiền thưởng chịu mức thuế suất khác so với thuế suất của doanh thu cước vận chuyển. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đang tạm thời có công văn hướng dẫn số 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 gửi Cục Thuế Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Ninh./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam