Sửa Thông tư hướng dẫn áp dụng APA: Phù hợp thông lệ quốc tế, chặt chẽ hơn trong quản lý thuế

19:44 | 16/03/2021 Print
(TBTCVN) - Cơ chế “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” (APA) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Tuy nhiên, đây là cơ chế thuế mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên cần thiết phải tiếp tục củng cố khung pháp lý phù hợp.

Cơ chế APA giúp nâng cao hiệu quả quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế.

Cơ chế APA giúp nâng cao hiệu quả quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Theo đó, các sửa đổi tại dự thảo thông tư hướng dẫn áp dụng APA nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan; đặc biệt là thận trọng, chặt chẽ hơn trong quản lý thuế.

Giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế

Cơ chế APA tại Việt Nam trước đây được thực hiện theo các hướng dẫn tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC phù hợp với Luật Quản lý thuế sửa đổi số 21/2012/QH13, các nghị định và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, theo đó nghiêm cấm hành vi quy định thủ tục hành chính tại thông tư (trừ trường hợp được Luật giao). Do đó, các nội dung tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC trước đây có liên quan đến thủ tục hành chính đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ đưa vào quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Để cơ chế APA phù hợp với sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn áp dụng APA trong quản lý thuế.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), việc thực hiện cơ chế APA là cần thiết vì đây là xu thế chung mà cơ quan thuế các nước đều đang áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ các giao dịch của các bên có quan hệ liên kết. Xét về nguyên tắc cơ chế này sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế (NNT) và là cầu nối để Việt Nam hội nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới. Mặt khác, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của NNT, xác lập dựa trên các thông tin dự kiến, kế hoạch của NNT.

Bên cạnh đó, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của NNT và quy định hiện hành chưa đưa ra được các nguyên tắc, giới hạn cần thiết cho phép cơ quan thuế có thể sàng lọc, lựa chọn các trường hợp phù hợp để giải quyết, tương xứng với nguồn lực của cơ quan thuế cũng như đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình này là nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế.

Nâng cao hiệu quả quản lý thuế

Ghi nhận những điểm mới của thông tư, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, so với Thông tư số 201/2013/TT-BTC, dự thảo thông tư mới có giảm đi một số điều khoản do các thủ tục hành chính trước đây đã được đưa lên Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, có một số nội dung nằm tại các điều khác nhau tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC trước đây nhưng có cùng phạm vi điều chỉnh thì được bố cục sắp xếp lại và đưa vào cùng một điều để thuận tiện cho việc tham chiếu.

Cũng theo PGS.TS Lê Xuân Trường, về cơ bản, phần lớn nội dung tại dự thảo thông tư mới đã đáp ứng được yêu cầu kế thừa các quy định của Thông tư số 201/2013/TT-BTC còn phù hợp và có cập nhật một số quy định mới để bám sát và tuân thủ các quy định có liên quan tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và dựa trên nghiên cứu có chọn lọc các khuyến nghị, thông lệ, kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai APA.

Cụ thể, trong phạm vi điều chỉnh đã hướng dẫn chi tiết việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế APA trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Do đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư là hướng dẫn việc áp dụng cơ chế APA đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đối với giao dịch được đề nghị áp dụng trong APA đã được lược bỏ, các sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy định cụ thể các điều kiện của giao dịch liên kết được phép đề nghị áp dụng APA để NNT rà soát và đề nghị phù hợp.

Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA; trao đổi, đàm phán APA được xây dựng để làm rõ phạm vi của các nghiệp vụ này trong quá trình giải quyết đề nghị áp dụng APA, không đưa các nội dung liên quan đến thời hạn giải quyết cụ thể để tránh tạo thành các thủ tục hành chính tại cấp thông tư, đảm bảo tuân thủ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, qua nghiên cứu thông lệ các nước đã áp dụng cơ chế này cho thấy do APA là một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp, thường liên quan đến nhiều bên, trong trường hợp song, đa phương còn liên quan đến nhiều quốc gia nên việc xác định một thời hạn cụ thể là không phù hợp. Số liệu thống kê cho thấy ngay cả với các nước đã triển khai cơ chế này từ rất lâu nhưng đều có thời hạn giải quyết khá dài (từ khâu thẩm định đến đàm phán). Do đó, những quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm giải quyết APA cũng không đưa vào luật quy định cụ thể hay cố định thời hạn của các khâu trong quy trình giải quyết APA.

Thông tin về thời hạn giải quyết APA của từng quốc gia thường là các số liệu thống kê trên cơ sở các hồ sơ, trường hợp trên thực tế của từng quốc gia và được ghi nhận tại các báo cáo thường niên về cơ chế này của các nước hoặc số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế. Vì vậy, việc không quy định thời hạn cụ thể giải quyết APA tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng như tại dự thảo thông tư hướng dẫn không chỉ phù hợp thực tiễn triển khai cơ chế này tại Việt Nam trong thời gian qua mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế chung.

Tiếp tục củng cố khung pháp lý phù hợp


“Mặc dù Thông tư số 201/2013/TT-BTC về APA đã có hiệu lực được 7 năm song cho đến nay vẫn chưa có APA nào được ký kết ở Việt Nam. Do vậy, đây vẫn là một cơ chế quản lý thuế mới, Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên cần thiết phải tiếp tục củng cố khung pháp lý phù hợp, có lộ trình thực hiện để hạn chế các rủi ro về số thu do việc APA được xác lập trên cơ sở các thông tin dự kiến, kế hoạch của người nộp thuế và các thông tin từ các nguồn dữ liệu khó kiểm chứng”. PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính).

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam