“Bắt mạch sức khỏe” doanh nghiệp để quản lý thuế hiệu quả

19:28 | 16/03/2021 Print
(TBTCVN) - Để đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc kiểm soát tốt kê khai, thông qua cơ sở dữ liệu, cơ quan thuế còn kiểm soát khả năng tài chính, nắm bắt dòng tiền của doanh nghiệp.

Cơ quan thuế bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có giải pháp quản lý thuế

Cơ quan thuế bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả. Ảnh: Nhật Minh

Điều này giống như “bắt mạch sức khỏe” doanh nghiệp, từ đó có giải pháp quản lý thu hiệu quả.

Mở rộng cơ sở thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu và tiếp tục tác động xấu đến tình hình kinh tế và thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2021. Để hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất, ngành Thuế đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh để ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh, mà còn có nguồn lực tài chính để nộp thuế đúng hạn.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngoài việc giãn, hoãn thuế, trong năm 2021 ngành Thuế tập trung triển khai các giải pháp quản lý thuế như: mở rộng cơ sở thuế, tăng cường chất lượng công tác thanh kiểm tra, chống thất thu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, trong thời gian tới cơ quan thuế các cấp sẽ đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tổ chức bộ phận trực hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7, đảm bảo cho người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ với NSNN mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thuế kịp thời theo đúng chính sách, pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, ngoài việc bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND TP. Hà Nội trong việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế, cục thuế còn tập trung triển khai các giải pháp quản lý thuế nhằm mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Quản lý đầy đủ, kịp thời các đối tượng thu, khoản thu phải nộp ngân sách theo đúng quy định.

“Chúng tôi sẽ tham mưu với cấp trên các nội dung liên quan đến công tác quản lý thuế. Đặc biệt tập trung, tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thuế và đề xuất, tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn, ưu đãi thuế, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, qua đó góp phần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu” - ông Trường nói.

Bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Để quản lý thuế hiệu quả, đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, ngoài việc giám sát chặt chẽ các biện pháp chống thất thu ngân sách, thì Cục Thuế TP. Hà Nội còn bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, nguồn thu, cũng như dòng tiền, kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp, từ đó để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Ngoài việc triển khai các chính sách về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Cục Thuế TP. Hà Nội còn đôn đốc khai, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn. Chủ động khảo sát, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc khảo sát, đánh giá về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế để có các giải pháp tháo gỡ phù hợp, hoặc kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ, hỗ trợ” - ông Trường nói.

Cũng nhằm quản lý thuế một cách hiệu quả, ông Bùi Công Phương - Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP. Đà Nẵng) cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đang khẩn trương xây dựng các kịch bản thu cho 10 tháng còn lại của năm 2021 nhằm tránh bị động, bất ngờ.

“Để công tác chỉ đạo, cũng như các giải pháp quản lý thu phát huy hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Cục Thuế TP. Đà Nẵng tiến hành đánh giá tình hình thu ngân sách hàng tháng, qua đó phân tích, dự báo để lãnh đạo thành phố, các sở, ngành có thông tin đầy đủ, nhằm chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác thu ngân sách năm 2021 đạt kết quả cao nhất” - ông Phương cho hay.

Hạn chế thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp


Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, ngành Thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra tại bàn, hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam