Thận trọng, chặt chẽ hơn trong quản lý thuế

12:02 | 15/03/2021 Print
Để cơ chế “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” (APA) phù hợp với sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ; cơ quan ngang bộ…, lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn áp dụng APA trong quản lý thuế.

Việc thực hiện cơ chế APA là cần thiết

Cơ chế APA bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2014 dựa trên quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

doanh-nghiệp-ok.jpg
Sửa cơ chế thỏa thuận APA phù hợp với hệ thống pháp luật mới. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế sửa đổi thì APA là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế (NNT) hoặc giữa cơ quan thuế với NNT và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường.

Việc thực hiện cơ chế APA là cần thiết vì đây là xu thế chung mà các cơ quan thuế các nước đều đang áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới; đồng thời xét về nguyên tắc cơ chế này sẽ mang lại lợi ích cho cả NNT, và là cầu nối để Việt Nam hòa nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới. Mặt khác, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, xác lập dựa trên các thông tin dự kiến, kế hoạch của NNT.

Cơ chế APA tại Việt Nam trước đây được thực hiện theo các hướng dẫn tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC. Thông tư thay thế Thông tư số 201 sẽ kế thừa các nội dung tại Thông tư 201 trước đây nhưng được xác định vẫn phù hợp các quy định hiện hành; đồng thời sửa đổi, cập nhật một số nội dung cho phù hợp thực tế triển khai cơ chế này tại Việt Nam trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, do đây vẫn là một cơ chế thuế mới, Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên cần thiết phải tiếp tục củng cố khung pháp lý phù hợp, có lộ trình thực hiện để hạn chế các rủi ro về số thu do việc APA được xác lập trên cơ sở các thông tin dự kiến, kế hoạch của NNT và các thông tin từ các nguồn dữ liệu khó kiểm chứng.

Bên cạnh đó, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của NNT và quy định hiện hành chưa đưa ra được các nguyên tắc, giới hạn cần thiết cho phép cơ quan thuế có thể sàng lọc, lựa chọn các trường hợp phù hợp để giải quyết, tương xứng với nguồn lực của cơ quan thuế cũng như đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình này là nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế.

Thay đổi phù hợp với hệ thống pháp luật

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, trong đó tiếp tục có quy định về cơ chế APA nhất quán với quy định trước đây đã được đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi số 21/2012/QH13. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có thêm một số quy định mới mang tính định hướng quan trọng trong việc triển khai cơ chế này.

Tại khoản 6 Điều 42 của Luật Quản lý thuế 2019 quy định nguyên tắc khai thuế đối với cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Cụ thể, việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của NNT, sự thống nhất giữa cơ quan thuế và NNT thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, NNT và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ có liên quan.

Đồng thời, việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải dựa trên thông tin của NNT, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý; việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện; đối với các thỏa thuận song phương, đa phương có sự tham gia của cơ quan thuế nước ngoài thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý thuế nêu trên, tại Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã quy định việc áp dụng cơ chế APA đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Các thủ tục hành chính liên quan đến việc đề nghị và giải quyết đề nghị áp dụng APA trước đây được quy định ở cấp thông tư thì nay đã được đưa vào Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Cụ thể gồm có các nội dung: Nộp hồ sơ chính thức; đề nghị thực hiện Thủ tục thỏa thuận song phương (MAP); nghĩa vụ lập và nộp báo cáo APA; thẩm quyền giải quyết APA; các thủ tục sửa đổi, gia hạn, thu hồi, hủy bỏ APA; thời điểm hiệu lực của APA. Đồng thời giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc áp dụng cơ chế APA trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Bộ Tài chính cho rằng, từ thực tiễn triển khai cơ chế APA và các căn cứ pháp lý nêu trên, cần thiết phải xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 201/2013/TT-BTC để hướng dẫn áp dụng cơ chế APA bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo tinh thần Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Đồng thời, phù hợp với thực tiễn nguồn lực của cơ quan thuế, đảm bảo cơ chế APA được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ về mặt pháp lý và mang lại hiệu quả trên thực tế cho các bên tham gia cơ chế này.

So với Thông tư số 201/2013/TT-BTC, dự thảo thông tư mới có giảm đi một số điều khoản do các thủ tục hành chính trước đây tại Thông tư số 201 đã được đưa lên Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, có một số nội dung nằm tại các Điều khác nhau tại Thông tư số 201 trước đây nhưng có cùng phạm vi điều chỉnh thì được bố cục sắp xếp lại và đưa vào cùng một Điều để thuận tiện cho việc tham chiếu.

Về cơ bản, phần lớn nội dung tại dự thảo thông tư mới đã đáp ứng được yêu cầu kế thừa các quy định của Thông tư số 201 còn phù hợp và có cập nhật một số quy định mới để bám sát và tuân thủ các quy định có liên quan tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và dựa trên nghiên cứu có chọn lọc các khuyến nghị, thông lệ, kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai APA./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam