Đại lý thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế

12:27 | 05/03/2021 Print
Cục Thuế Quảng Bình vừa phê duyệt kế hoạch triển khai tuyên truyền vận động, tập huấn cho đội ngũ nhân viên thuộc hệ kế toán thuế để tiến tới thành lập các đại lý thuế, theo Thông tư 10/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo ông Đoàn Vĩ Tuyến – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình, việc triển khai thành lập đại lý thuế trên địa bàn sẽ tạo ra "cánh tay nối dài" của cơ quan thuế - là công cụ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và người nộp thuế thực hiện tốt pháp luật thuế.

Đại lý thuế cũng là doanh nghiệp

Luật Quản lý thuế số 38 năm 2019 dành một chương quy định về đại lý thuế. Tại Điều 101 quy định: Đại lý thuế là tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế), là doanh nghiệp (DN) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về DN, thực hiện các dịch vụ theo thỏa thuận với người nộp thuế (NNT).

đại-lý-thuế.jpg
Đại lý thuế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện luật quản lý thuế tốt hơn.

Như vậy, đại lý thuế thực chất là một DN được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật về DN như các DN khác. Đại lý thuế cung cấp các dịch vụ cho NNT theo hợp đồng bao gồm: dịch vụ làm thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và các thủ tục về thuế khác thay NNT; dịch vụ tư vấn thuế; dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ theo quy định tại Điều 150 của Luật này. DN siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Khi thực hiện cung cấp dịch vụ, đại lý thuế có quyền, nghĩa vụ thực hiện các dịch vụ với NNT theo thỏa thuận trong hợp đồng; tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước NNT về nội dung dịch vụ đã cung cấp.

Đại lý thuế phải bảo đảm các điều kiện riêng về tổ chức và hoạt động theo quy định của Bộ Tài chính, trong đó phải chịu sự cấp phép và kiểm soát một số lĩnh vực bởi cơ quan thuế.

Trên thế giới, đại lý thuế đã rất thông dụng, phổ biến. NNT ở các nước phát triển đều biết và hiểu được lợi ích của đại lý thuế như là một giải pháp cho việc tiết kiệm chi phí cũng như thời gian cho DN của họ. Ví như ở Nhật Bản, 90% DN sử dụng qua dịch vụ đại lý thuế, trong khi đó Hàn Quốc có tới 95% công ty tận dụng được lợi ích của đại lý thuế trong kinh doanh.

Ở Việt Nam gần đây đã có nhiều đại lý thuế được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, đại lý thuế chỉ mới tập trung ở các thành phố lớn, các tỉnh có nền kinh tế phát triển, nhiều DN nước ngoài hoạt động, còn các tỉnh, thành khác hầu như khái niệm đại lý thuế còn rất mới mẻ và xa lạ đối với rất nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa. NNT chưa hiểu được lợi ích khi sử dụng các dịch vụ của đại lý thuế. Đến nay, địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có một đại lý thuế nào được thành lập và hoạt động đúng quy định.

Ông Đoàn Vĩ Tuyến cho biết, nếu cho đại lý thuế là “cánh tay nối dài” của cơ quan thuế, được thành lập để quản lý DN, thêm chi phí cho DN; lợi ích của đại lý thuế sẽ được chia cùng với các cơ quan thuế là không đúng. Trên thực tế, đại lý thuế đơn giản chỉ là một DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thuế. Lợi ích của đại lý thuế cũng chính là lợi ích của DN.

Đại lý thuế mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Ông Đoàn Vĩ Tuyến cho rằng, đại lý thuế được thành lập sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN và NNT. Cụ thể, thứ nhất, đại lý thuế là một DN, hoạt động theo quy định của pháp luật về DN, có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và hoạt động của mình. Vì vậy, khi hợp đồng với đại lý thuế, NNT yên tâm về mặt pháp lý, nếu có rủi ro sẽ có pháp luật và cơ quan chức năng bảo vệ.

Hiện nay, nhiều DN thuê kế toán thuế làm việc tự do, không ký hợp đồng lao động. Vì thế, rất nhiều rủi ro có thể xảy ra, như: kế toán thuế thông đồng mua bán hóa đơn, làm dối sổ sách, báo cáo tài chính, làm mất chứng từ… Khi thanh tra kiểm tra phát hiện ra thì kế toán bỏ việc, để lại các rủi ro đó cho DN.

Thứ hai, đại lý thuế có những nhân viên được thi tuyển bài bản, được bổ sung kiến thức hàng năm, được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan thuế nên am hiểu về thủ tục thuế, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Đại lý thuế sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí và có hệ thống báo cáo sổ sách kế toán thuế chỉnh chu, tránh sai sót.

Thứ ba, do đại lý thuế làm việc liên tục với cơ quan thuế và có nhiều kinh nghiệm, chi phí sử dụng đại lý thuế cũng sẽ tiết kiệm hơn so với việc tổ chức một tập thể nhân viên làm kế toán thuế.

Thứ tư, DN sẽ tránh hoàn toàn các rủi ro về thuế, khi đó, trách nhiệm thuế của DN sẽ thuộc về phía đại lý thuế.

Thứ năm, các rủi ro về thuế sẽ do đại lý thuế trực tiếp giải trình với cơ quan thuế nên DN không mất thời gian, chi phí cho việc giải trình này với cơ quan thuế; qua đó, hạn chế tối đa các cuộc kiểm tra tại DN của cơ quan thuế, ngăn chặn các tiêu cực, nhũng nhiễu từ phía cán bộ thuế./.

Bài và ảnh: Cổ Kim Thảo

Bài và ảnh: Cổ Kim Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam