Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

10:51 | 01/03/2021 Print
(TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, nhiều ý kiến đánh giá rất cao đề xuất gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Bộ Tài chính đang trình Chính phủ.

Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất giúp các doanh nghiệp dệt may

Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất giúp các doanh nghiệp dệt may có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và diễn phức tạp như hiện nay thì đề xuất này là rất kịp thời, góp phần thực hiện được mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tạo nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, trong đó nghiêm trọng nhất là ngành du lịch, vận tải…, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật An Ninh (AnNinhLaw) cho rằng, đề xuất gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Bộ Tài chính góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.

“Việc Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với người nộp thuế là cần thiết, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì, khôi phục sản xuất nhưng vẫn đảm bảo số thu ngân sách của năm 2021. Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, mà còn đảm bảo mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra” - luật sư Đặng Thành Chung nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, gia hạn thuế chính là “khoan sức dân”, là hợp tình, hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, đem lại những lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho sự duy trì, phát triển doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng nền kinh tế.

“Gia hạn thuế tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp được hoãn nộp tiền thuế, sử dụng số tiền thuế vào hoạt động kinh doanh, khắc phục khó khăn mà không phải tính lãi. Do đó, về cơ bản doanh nghiệp được hưởng lợi khoảng 8 - 10%/năm và 4 - 5% cho mỗi kỳ thuế gia hạn 5 tháng do không phải đi vay ngân hàng, nên không phải trả lãi suất” - ông Được nói.

Cũng theo ông Được, nếu chính sách này được Chính phủ ban hành, sẽ mang lại hiệu quả rất thiết thực đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ vốn dĩ không có tài sản đảm bảo, nên không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Việc gia hạn thuế như khoản vay tín chấp với đối tượng này là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Người nộp thuế cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết để được gia hạn

Mặc dù đề xuất gia tiếp tục hạn nộp thuế và tiền thuê đất chưa được Chính phủ phê duyệt, nhưng các ý kiến cho rằng, ngay lúc này doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần, cũng như các điều kiện cần thiết để đón nhận nó một cách tích cực, điều này giúp đạt được những hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Để được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế theo dự thảo thì khá đơn giản, người nộp thuế chỉ cần gửi thông báo thuộc đối tượng gia hạn thuế, kèm theo hồ sơ khai thuế tương ứng. Thủ tục hành chính đơn giản, nhưng doanh nghiệp cần phải nắm vững quy định về biểu mẫu, thời gian và đối tượng được gia hạn để tránh những sai sót, nhầm lẫn không đáng có gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp cũng như hạn chế những rủi ro về thuế sau này” - ông Nguyễn Văn Được khuyến cáo.

Để chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất phát huy hiệu quả thiết thực, đúng như mục tiêu ban đầu là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, luật sư Đặng Thành Chung cho rằng, bản thân người nộp thuế cũng phải có trách nhiệm trong việc chủ động cập nhật các thông tin chính sách qua website, qua phương tiện thông tin đại chúng, hoặc liên hệ trực tiếp với cán bộ, cơ quan thuế để được giải thích, nắm bắt rõ ràng, chính xác, kịp thời và đầy đủ các thông tin, thủ tục thực hiện.

“Trong quá trình thực hiện các thủ tục gia hạn, người nộp thuế cần xem xét, lưu ý những vấn đề còn vướng mắc, thiếu sót để trao đổi với cơ quan thuế nhằm vận dụng tối đa lợi ích từ chính sách” - luật sư Đặng Thành Chung nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo người dân, doanh nghiệp

Các ý kiến cho rằng, để chính sách thuế được thực thi thực tế, cơ quan thuế cần thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua website, qua phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí có thể gửi thư điện tử, trong đó nêu rõ, cụ thể chính sách và thủ tục hành chính thực hiện cho tất cả doanh nghiệp để họ nghiên cứu và xác định mình có được gia hạn hay không để làm thủ tục. Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương, cơ quan thuế cần điều chỉnh các hình thức tiếp cận và thủ tục gia hạn theo hướng dễ thực hiện nhất và giảm chi phí nhất nhằm đạt hiệu quả chính sách tốt nhất cho doanh nghiệp.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam