Cắt giảm thuế giúp doanh nghiệp Việt vươn ra “biển lớn”

10:26 | 24/02/2021 Print
(TBTCVN) - Thời gian qua, ngành Tài chính đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thông qua tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do trong các lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính. Hàng nghìn dòng thuế được cắt giảm đã mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra “biển lớn”.

Biểu đồ về hoạt động thương mại trong nước tháng 1/2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Biểu đồ về hoạt động thương mại trong nước tháng 1/2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tiến trình hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế đã góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

Tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế

Thời gian qua, nhất là từ năm 2001 đến nay, ngành Tài chính đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác tài chính, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đa phương hóa và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của đất nước.

Bộ Tài chính đã chủ động hội nhập quốc tế thông qua tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính. Số lượng các FTA mà Việt Nam tham gia không ngừng tăng lên. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định (năm 2016 là 10 hiệp định). Việc tham gia vào các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, mở ra nhiều thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp trong nước, đa dạng hóa đối tác quốc tế.

Hàng nghìn dòng thuế được cắt giảm, trong đó có nhiều mặt hàng là lợi thế của Việt Nam như dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy… Trong khi đó những mặt hàng trọng yếu, nhạy cảm vẫn được duy trì mức bảo hộ nhất định, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, vươn tầm ra thế giới.

Nói về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, việc mở cửa thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu, mức độ cam kết thuế nhập khẩu trong các FTA được xây dựng và thực hiện theo lộ trình cam kết với các đối tác FTA, thường là các đối tác có trao đổi thương mại lớn với Việt Nam và có đầu tư lớn. Lộ trình cam kết thuế được thực hiện từng bước, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có thời gian để thích ứng và chuẩn bị. Trên cơ sở đó các cam kết tại các FTA, ngành Tài chính đã xây dụng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong các FTA.

Có thể khẳng định, thành công trong đàm phán, ký kết các FTA, tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Cơ cấu lại nguồn thu, tránh tác động tới ngân sách

Việc tham gia hội nhập sâu rộng, bên cạnh những kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu nêu trên, cũng đi kèm những thách thức không nhỏ. Trong đó, một trong những vấn đề đặt ra là xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan.

Đối với Hiệp định CPTPP, các nước tham gia cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm. Phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Trong khi đó, với Hiệp định EVFTA, ngay sau khi có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Về phía Việt Nam, nước ta cũng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực và sẽ tăng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm…

Việc cắt giảm sâu và nhanh các dòng thuế nhập khẩu tác động trực tiếp tới thu ngân sách. Tuy nhiên, chủ động trong điều hành, khi thuế xuất nhập khẩu ngày càng giảm, Bộ Tài chính đã đúng hướng khi tái cơ cấu thu ngân sách nhà nước, gia tăng nguồn thu nội địa một cách hợp lý, mở rộng cơ sở tính thuế để bù đắp vào thiếu hụt do giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu. Thu nội địa nếu như giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016 - 2018 bình quân đạt 74,8%, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 85,5% trong tổng thu ngân sách.

“Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đang và sẽ tăng cường hoàn thiện công tác pháp luật thể chế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân sách nhà nước nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA của Việt Nam. Đồng thời, ngành Tài chính tiếp tục thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, giảm số giờ làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, kiểm soát hiệu quả xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh qua các năm

Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng nhanh, đặc biệt năm 2017 đạt mức tăng trưởng 21,8% xuất khẩu và 21,9% về nhập khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa đều đạt mức thặng dư và tăng trưởng hàng năm. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức trên 517 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức 10,87 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt tới 543,9 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt tới 19,1 tỷ USD.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam