Tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Tạo điểm tựa giúp doanh nghiệp vượt lên khó khăn

10:21 | 24/02/2021 Print
(TBTCVN) - Dịch Covid –19 bùng phát đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn về tài chính, giúp doanh nghiệp vực dậy, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, ban hành nhiều chính sách hữu hiệu, trong đó quy định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vượt qua đại dịch.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch xuất hiện và bùng phát, cộng với thiên tai, bão lũ những tháng cuối năm đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã nhanh chóng tham mưu, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất cho DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tiếp theo đó, ngày 15/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại Nghị định số 109/2020/NĐ-CP quy định DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 10/2020.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2020 đã góp phần quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Điển hình như đã góp phần phát triển kinh tế đất nước, khôi phục sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu với con số dương; ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả thị trường và góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách.

Đánh giá về chính sách này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) chia sẻ, giữa lúc DN đang loay hoay đối mặt với khó khăn chất chồng, cần dòng tiền để trang trải cho sản xuất – kinh doanh thì Bộ Tài chính đã nhanh chóng có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời. “Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tham mưu ban hành kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ, nhằm chia sẻ khó khăn với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó bao gồm toàn bộ các đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh phải nộp thuế, thông qua đó góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, chính sách giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp đỡ nhiều DN, hộ kinh doanh đang lao đao về đại dịch” - Phó Chủ tịch Hanoisme nhấn mạnh.

Còn theo bà Lưu Thị Thảo - Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, điều này rất đúng trong thời gian qua, khi rơi vào tình trạng khó khăn, DN đã có được một chiếc phao cứu sinh là sự hỗ trợ về tài chính. Các chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã giúp DN giảm bớt gánh nặng về dòng tiền, chi phí vận hành, tập trung để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục gia hạn - Giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp

Trong 2 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở nước ta và chưa có dấu hiệu suy giảm. Hơn nữa, trong nước thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ. Đặc biệt, nhiều DN có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến DN gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của Bộ Công thương về tình hình sản xuất công nghiệp thời gian qua, chỉ số sản xuất của một số ngành nghề có xu hướng giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch. Cụ thể một số ngành như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 12%); sản xuất mô tô, xe máy (giảm 9,7%); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị (giảm 9,4%); sản xuất đồ uống (giảm 5,2%)… Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 231,6%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 143,9%); sản xuất kim loại (tăng 126%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 44,5%)…

Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN, hộ cá thể kinh doanh vẫn vô cùng cần thiết, nhất là các giải pháp về giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh. “Cộng đồng DN cho rằng, các hỗ trợ về miễn giảm chi phí đầu vào, tiếp tục gia hạn về thuế, tiền thuê đất trong thời điểm này có ý nghĩa lớn, sẽ giúp các DN, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh” - ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các DN, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, cơ chế giãn, hoãn nộp thuế có tính chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai, từ đó tăng mức đóng góp cho ngân sách nhà nước. Chính sách gia hạn nộp thuế không làm giảm thu ngân sách nhà nước và phù hợp thẩm quyền của Chính phủ mà Luật Quản lý thuế đã quy định (việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định).

Xuất phát từ các lý do nêu trên, để các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

Gần 200 nghìn doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh được hỗ trợ

Thực hiện các chính sách về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, trong năm 2020, cơ quan thuế đã gia hạn cho khoảng 184.900 lượt người nộp thuế, với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất gia hạn khoảng 87.300 tỷ đồng. Trong đó: Thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP có 128.619 DN và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 67.234,6 tỷ đồng (trong đó thuế giá trị gia tăng của DN, tổ chức là 31.929 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 30.562 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh là 1.132 tỷ đồng, tiền thuê đất là 3.610 tỷ đồng); Thực hiện Nghị định số 109/2020/NĐ-CP có 14 DN được gia hạn, với tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn là 20.012 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đề xuất tiếp tục hoãn, giãn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư tiếp tục giảm mức thu 29 khoản phí, lệ phí trong các lĩnh vực y tế, xây dựng, du lịch, vận tải, an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng khoán, hàng không, sở hữu công nghiệp, sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt,… Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giảm 30% thuế nhiên liệu bay tới hết năm 2021.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam