Người nộp thuế hãy tận dụng chính sách để vượt khó

10:13 | 24/02/2021 Print
(TBTCVN) -Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Người nộp thuế nên tận dụng chính sách này (nếu được Chính phủ gia hạn) để vượt qua khó khăn.

Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Nhật Minh

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như hiện nay, xin bà cho biết ý nghĩa của đề xuất này đối với cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế nói chung?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Năm 2020 để xử lý các khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP để giảm, giãn và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Số tiền gia hạn và số doanh nghiệp được hưởng chính sách này là tương đối lớn. Đây là những ưu đãi về thuế rất hữu ích đối với doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Cúc

Bà Nguyễn Thị Cúc

Với việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thay vì phải nộp thuế đúng hạn, doanh nghiệp sẽ được gia hạn thêm 5 tháng. Số tiền được gia hạn sẽ được doanh nghiệp tái đầu tư sản xuất, kinh doanh mà không phải vay ngân hàng, điều này đã mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp. Sự hỗ trợ này thể hiện thông qua kết quả thu ngân sách năm 2020 vẫn đạt, thậm chí vượt dự toán được giao.

Rõ ràng, việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó đảm bảo được nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Đề xuất gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Bộ Tài chính đang trình Chính phủ lần này được đưa ra trong bối cảnh ngay từ những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh lại bùng phát trở lại tại Hải Dương và 12 tỉnh, thành khác. Đến thời điểm này, dịch bệnh thêm một lần nữa làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lại tiếp tục khó khăn. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, số tiền được gia hạn lần này khoảng trên 110.000 tỷ đồng, lớn hơn năm 2020. Nếu được Chính phủ chấp thuận, thì doanh nghiệp thêm một lần nữa được Nhà nước hỗ trợ, có thể sử dụng số tiền thuế lẽ ra phải nộp nhưng do được gia hạn nên có thể tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tựu chung lại, nếu như chúng ta biết nuôi dưỡng nguồn thu, thì doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để đóng thuế, làm tăng thu cho ngân sách nhà nước.

PV: Qua việc triển khai Nghị định 41/2020/NĐ-CP năm 2020, theo bà nếu được Chính phủ chấp thuận thì để phát huy hiệu quả, cũng như đạt mục tiêu mà gói giải pháp gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, chúng ta cần phải làm gì?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Có một vấn đề cần lưu ý, đó là trong quá trình thực hiện Nghị định 41, đã có khoảng 120 nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận với gói giãn, gia hạn thuế, nhưng cũng có doanh nghiệp chưa tiếp cận được, không đăng ký với cơ quan thuế dẫn đến bị phạt chậm nộp. Có thể nói, về mặt chủ trương là rất tốt, các thủ tục để gia hạn rất đơn giản, thông thoáng, nhưng bản thân doanh nghiệp, người nộp thuế chưa quan tâm.

Việc khích lệ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là rất cần thiết

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, trong bối cảnh hiện nay, việc khích lệ cũng như giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn là rất cần thiết. Ý nghĩa đầu tiên là động viên về tinh thần, nghĩa là doanh nghiệp, doanh nhân cảm nhận được sự quan tâm, sẽ chia của Chính phủ, của Bộ Tài chính, ngành Thuế với thực trạng vất vả của mình trước tình hình dịch bệnh. Thứ hai là hiệu quả về kinh tế: Chính việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là cơ sở, gián tiếp góp phần nuôi dưỡng nguồn thu, là cơ sở để tăng thu cho ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn.

Do đó, trong tờ trình của Bộ Tài chính về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lần này đã đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, tương tự như Nghị định 41, khi doanh nghiệp làm các thủ tục gia hạn về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, gia hạn về tiền thuê đất thì chỉ cần thông báo cho cơ quan thuế 1 lần về các sắc thuế được gia hạn. Hình thức thông báo có thể qua thư điện tử, qua văn bản hoặc bất cứ hình thức nào thuận lợi cho doanh nghiệp nhất. Rõ ràng, ngay trong tờ trình Bộ Tài chính đã đơn giản nhất có thể các thủ tục hành chính để doanh nghiệp được gia hạn.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng vấn đề cơ bản là doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt chủ trương này để đề nghị cơ quan thuế gia hạn. Hiện nay, cơ quan thuế các cấp, từ Tổng cục Thuế đến các cục thuế; các phương tiện thông tin đại chúng khác đều đăng tải chủ trương này, tuy nhiên một vài doanh nghiệp vẫn chưa nắm được.

Do đó, tôi cho rằng cơ quan thuế không chỉ tuyên truyền thông qua website, qua phương tiện thông tin đại chúng, mà cần gửi thư điện tử tới từng doanh nghiệp thuộc diện được gia hạn thuế. Hoặc nếu chưa xác định được doanh nghiệp có thuộc đối tượng gia hạn hay không, thì gửi thư cho tất cả doanh nghiệp để họ nghiên cứu và xác định mình có được gia hạn hay không để làm thủ tục.

PV: Như bà vừa nói về nuôi dưỡng nguồn thu, điều quan trọng nhất khi chính sách gia hạn được ban hành là gì. Phải chăng là phải nhanh chóng đưa chính sách đó vào cuộc sống, để doanh nghiệp được thụ hưởng một cách nhanh nhất?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chính sách gia hạn này khi được ban hành phải đạt hiệu quả cao nhất, dễ thực hiện nhất và giảm chi phí tuân thủ, cũng như giảm chi phí, nguồn lực của xã hội. Điều này có nghĩa, khi chính sách được ban hành, các cơ quan có liên quan phải làm sao nhanh chóng áp dụng ngay, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để người dân và doanh nghiệp có thể thụ hưởng.

Cơ quan thuế các cấp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng phải tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, chủ động thực hiện việc đăng ký gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tránh tình trạng như một số doanh nghiệp vừa qua đã không chủ động nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Chính phủ đã dành sự thuận lợi cho doanh nghiệp, nhận khó khăn về mình

Với đề xuất gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lần này thể hiện nỗ lực của Bộ Tài chính, của Chính phủ, vì việc gia hạn nộp thuế thì rõ ràng ngân sách nhà nước cũng khó khăn. Nhưng vì sự phát triển của doanh nghiệp, để nuôi dưỡng nguồn thu, Chính phủ đã dành sự thuận lợi cho doanh nghiệp, nhận sự khó khăn về mình, đây là sự sẻ chia của hai bên.

“Do đó chúng tôi nghĩ rằng, khi Nhà nước đã cố gắng, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng nên thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm với Nhà nước, khi được tạo điều kiện gia hạn, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các giải pháp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện phải “sống chung với Covid-19”, từ đó vượt qua khó khăn và có nguồn lực đóng góp cho ngân sách nhà nước” - bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.

Nhật Minh (thực hiện)

Nhật Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam