Nỗ lực cải cách hành chính thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

12:54 | 12/02/2021 Print
(TBTCVN) - Cùng với việc thi đua hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hàng năm đảm bảo các mục tiêu cải cách hệ thống thuế theo “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020” ngành Thuế chú trọng đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính theo Nghị quyết 30c và 76.

Công tác cải cách hành chính thuế đã đi vào thực chất, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về công tác cải cách hành chính (CCHC) thuế, ông Phi Vân Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, các phong trào thi đua thực hiện cải cách và hiện đại hoá hệ thống thuế được Tổng cục Thuế thường xuyên đẩy mạnh và đạt được mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Thuế đã dự thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành hàng chục nghị định, thông tư, quyết định; hàng trăm công văn về sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật thuế. Nổi bật trong đó là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Ông Phi Vân Tuấn cho rằng, Luật Quản lý thuế số 38 ra đời đã quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN); mở rộng cơ sở thu đảm bảo bao quát toàn bộ nguồn thu; đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Đồng thời, Luật Quản lý thuế số 38 đã đáp ứng được yêu cầu của CCHC, trong đó có CCHC công, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, nâng cao hiệu quả quản lý thuế; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN, ngành Thuế đã công khai bộ thủ tục hành chính (TTHC) dưới nhiều hình thức khác nhau. Tính đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn, vượt 161% (150/93 TTHC) theo Kế hoạch của Bộ Tài chính. Số hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 16.320.066 hồ sơ. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã thiết lập Hệ thống eTax gồm 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 415 chi cục thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7.

“Các TTHC thuế được sửa đổi, bổ sung đã giảm thời gian, chi phí của NNT, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, tiết kiệm được chi phí và nguồn lực trong quản lý của cơ quan thuế,...” – ông Phi Vân Tuấn nhấn mạnh.

Đóng góp tích cực vào xây dựng Chính phủ điện tử

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trong những năm qua, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã thể hiện được vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế, đem lại những hiệu quả to lớn trong công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, cải cách TTHC thuế. Qua đó đã tiết kiệm chi phí tuân thủ cho NNT và chi phí hành chính cho cơ quan thuế, giảm thiểu tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế (NNT), góp phần giảm phiền hà cho NNT.

99,9% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia khai thuế điện tử

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đạt 99,9%; tỷ lệ DN đang hoạt động tham gia nộp thuế điện tử (NTĐT) đạt 98,76%; tỷ lệ DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt 98,52%. Có 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối NTĐT với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế địa phương triển khai dịch vụ NTĐT.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Thuế đã triển khai mạnh mẽ các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Toàn ngành đã triển khai các ứng dụng khai, nộp thuế điện tử (NTĐT); hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính đến nay, tỷ lệ DN đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đạt 99,9%; tỷ lệ DN đang hoạt động tham gia NTĐT đạt 98,76%; tỷ lệ DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt 98,52%. Có 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối NTĐT với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế địa phương triển khai dịch vụ NTĐT.

Để đáp ứng các tiêu chí xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Thuế đã đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ đáp ứng được những yêu cầu kế hoạch của Chính phủ như: Nâng cấp hạ tầng truyền thông, mạng diện rộng thống nhất toàn ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Thuế, xây dựng giải pháp và hệ thống an toàn, bảo mật thông tin..., nhằm đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu trao đổi thông tin trong ngành đáp ứng yêu cầu Đề án chính phủ điện tử của Chính phủ. Ngành Thuế đã thực hiện triển khai kết nối mạng trao đổi thông tin với các ngành như: Kho bạc, Hải quan, Dự trữ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những cải cách TTHC của ngành Thuế trong thời gian qua đã được Chính phủ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN đánh giá cao. Năm 2018, Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Chính phủ (APCI 2018) đánh giá nhóm TTHC thuế đứng thứ nhất trong 8 nhóm TTHC được đưa vào đánh giá tại báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC. Năm 2019, tại báo cáo đánh giá cải cách TTHC thuế của VCCI, mức độ hài lòng của NNT đã tăng từ 7,5/10 của kỳ trước lên 7,8/10 (tăng 3%). Tại Báo cáo môi trường kinh doanh-Doing Business 2020 của WB, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá. Thứ hạng này đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 là tăng 7 - 10 bậc về chỉ số nộp thuế, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 chỉ số nộp thuế tăng lên 30 - 40 bậc.

Cải cách tạo “lực đẩy” giúp ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ thu

Công tác cải cách hành chính thuế luôn được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện pháp luật thuế. Giai đoạn 2015 - 2019, ngành Thuế đã hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý năm 2015 vượt 11,7% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ; Năm 2016 vượt 10,8%, tăng 9,8%; Năm 2017 vượt 6,2%, tăng 14,7%; Năm 2018 vượt 7,3%, tăng 11,6%. Năm 2019 cơ quan thuế đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách năm 2019 vượt 9,3% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt năm 2020, mặc dù khó khăn nhưng số thu ngân sách vẫn đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam