Cục Thuế Hưng Yên: Đồng hành cùng doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu

10:57 | 07/02/2021 Print
(TBTCVN) - “Cục Thuế Hưng Yên luôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Những cải cách của cơ quan thuế được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đánh giá cao.

Khu công nghiệp Phố Nối A - Hưng Yên.

Khu công nghiệp Phố Nối A - Hưng Yên.

Nhờ đó, số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm sau luôn cao hơn năm trước” – ông Chu Tường Anh - Cục trưởng Cục Thuế Hưng Yên nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN trước thềm xuân mới Tân Sửu 2021.

Cải cách đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Chu Tường Anh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế (NNT) thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuế được thuận lợi, Cục Thuế Hưng Yên đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài trên địa bàn thực hiện tuyên truyền các chính sách thuế mới, kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử đến cộng đồng DN và NNT.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2020, Cục Thuế Hưng Yên đã tuyên truyền được 348 tin, bài, tiểu phẩm, phóng sự về chính sách pháp luật thuế trên các phương tiện truyền thông của tỉnh; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức 12 hội nghị để tuyên truyền, giới thiệu về chính sách thuế. Bên cạnh đó, cục thuế cũng tổ chức biên soạn và tiến hành cấp phát 14.700 tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền, hỗ trợ về chính sách pháp luật thuế đến DN và NNT trên địa bàn.

Ông Chu Tường Anh cho biết thêm, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các hình thức hỗ trợ trực tiếp bị hạn chế, chủ yếu tập trung hỗ trợ NNT bằng các hình thức điện tử (gửi thư điện tử, zalo, điện thoại,…). Cũng trong năm 2020, cục thuế đã giải đáp trả lời được 185 vướng mắc cho NNT đúng hạn, đạt tỷ lệ 100% số văn bản cần trả lời. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cục thuế đã tổ chức được 1 lớp tập huấn với 281 lượt người tham dự; tổ chức thành công 1 hội nghị tuyên dương NNT; tổ chức 2 buổi đối thoại với 414 lượt NNT tham dự…

Song song với đó, cục thuế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế nhằm hỗ trợ NNT thực hiện các thủ tục hành chính thuế được thuận lợi nhất, giảm tối đa chi phí cho NNT; thống nhất áp dụng mã số thuế giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế; thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế còn một mã số DN theo cơ chế một cửa liên thông, thực hiện cấp mã số thuế tự động, duy trì thời gian cấp mã số thuế chỉ còn 1 ngày...

“Ngoài ra, Cục Thuế Hưng Yên cũng đã tích cực tuyên truyền, động viên các DN trên địa bàn thực hiện khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử; vận hành thông suốt hệ thống quản lý thuế tập trung TMS trong toàn ngành. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 99% số DN đang hoạt động thực hiện khai thuế điện tử; tỷ lệ DN đăng ký nộp thuế điện tử đạt 96% tổng số DN đang hoạt động. 100% hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện bằng phương thức điện tử, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN và được cộng đồng DN nhiệt tình hưởng ứng”- ông Chu Tường Anh chia sẻ.

Quản lý chặt chẽ, huy động kịp thời các nguồn thu

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế tạo thuận lợi cho DN và NNT, ông Chu Tường Anh cho biết, Cục Thuế Hưng Yên còn thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, nhằm huy động kịp thời các khoản thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN). Cục Thuế cũng đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đã được Tổng cục Thuế và UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt tránh gây phiền hà cho NNT; thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, năm 2020, tổng thu nội địa trên địa bàn đạt 13.099 tỷ đồng, bằng 124% so với dự toán được giao, bằng 106,7% so với năm 2019.

Báo cáo của Cục Thuế Hưng Yên cho thấy, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, qua đó giảm thu ngân sách khoảng 450 tỷ đồng so với năm 2019. Việc thực hiện một số chính sách mới cũng làm giảm thu NSNN trên địa bàn. Đơn cử, số thuế tiêu thụ đặc biệt từ các DN sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát giảm thu khoảng 300 tỷ đồng; số thuế thu nhập DN bị giảm 55 tỷ đồng khi thực hiện Nghị định số 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; số thuế thu nhập cá nhân cũng giảm 50 tỷ đồng khi thực Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh; triển khai Nghị định số 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 làm giảm thu 70 tỷ đồng...

Theo ông Chu Tường Anh, trước dự báo nhiều nguồn thu sụt giảm, Cục Thuế Hưng Yên đã thực hiện rà soát, đánh giá các khoản thu để giao dự toán cho từng đơn vị, tổ chức ký kết giao ước thi đua trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Đồng thời, lãnh đạo cục thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chủ động, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp chống thất thu, khai thác nguồn thu và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NNT hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Thu ngân sách trên địa bàn tăng trưởng ấn tượng

Năm 2015, Cục Thuế Hưng Yên thu đạt 5.329 tỷ đồng, vượt 11,7% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 7% so với năm 2014 thực hiện. Năm 2016 thu vượt 11,3% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 26% so với năm 2015 thực hiện; năm 2017 thu vượt 10,9% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 28,7% so với năm 2016. Năm 2018, đơn vị vượt 17,5% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 14,4% so với năm 2017. Năm 2019, thu đạt 12.273 tỷ đồng, vượt 32,4% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 24,1% so với năm 2018 thực hiện. Năm 2020, thu đạt 13.099 tỷ đồng, vượt 30,2% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 6,7% so với năm 2019.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam