Ngành Thuế tiên phong sắp xếp, tinh gọn bộ máy

11:12 | 06/02/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020 cùng với nỗ lực thu ngân sách, ngành Thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ cấp vụ đến cấp cục, cấp chi cục thuế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội (bìa phải) và lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội (bìa phải) và lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai mở biển tên, đánh dấu Chi cục Thuế khu vực Thanh Oai - Chương Mỹ (Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động. Ảnh: Minh Nhật

2020 qua đi, khép lại một năm có nhiều biến động bởi đại dịch Covid-19. Thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, cũng ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách.Cùng với nỗ lực thu, ngành Thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ cấp vụ đến cấp cục, cấp chi cục thuế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Hoàn thành sắp xếp bộ máy trước 10 tháng so với kế hoạch

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, thời gian qua, ngành Thuế đã tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngay sau khi có Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, sắp xếp lại tổ chức các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, các phòng thuộc cục thuế và các đội thuộc chi cục thuế, đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo Quyết định số 520/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng đề án đến hết năm 2020 thực hiện sắp xếp, hợp nhất khoảng 548 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 cục thuế thành 257 chi cục thuế khu vực, giảm 291 chi cục thuế, còn 420 chi cục thuế cấp huyện trong hệ thống thuế.

Cao anh tuan
“Sau khi hợp nhất, các chi cục thuế khu vực đã phát huy hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Bộ máy tổ chức của ngành Thuế được tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Điều này giúp cho ngành Thuế tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính, cũng như nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới”. Ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Tuy nhiên, ngay trong tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành 111 quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước; qua đó, tiến hành sắp xếp hợp nhất 565 lượt chi cục thuế để thành lập 267 chi cục thuế khu vực, giảm 296 chi cục thuế (tương ứng giảm 296 lãnh đạo cấp chi cục trưởng). Số lượng chi cục thuế trong cả nước giảm từ 711 chi cục thuế xuống còn 415 chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch về số lượng và vượt thời gian trước 10 tháng, theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 520/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Phát biểu tại hội nghị công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập chi cục thuế khu vực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố hồi cuối tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã biểu dương và đánh giá cao kết quả mà Tổng cục Thuế đạt được trong công tác sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế. “Các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Thuế, lãnh đạo các cục thuế và toàn thể công chức, người lao động tại các chi cục thuế thuộc diện sắp xếp, hợp nhất đã nỗ lực, đồng lòng, đoàn kết, vượt qua khó khăn để hoàn thành kế hoạch sắp xếp, hợp nhất các chi cục thuế” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Gắn tinh gọn bộ máy với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống thuế nói riêng và Bộ Tài chính nói chung đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp. Cũng nhờ sắp xếp lại bộ máy, đã góp phần giảm số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội (chi cục trưởng, đội trưởng và tương đương), thanh lọc bộ máy, góp phần cơ cấu lại đội ngũ công chức của ngành.

Không chỉ sắp xếp tinh gọn bộ máy, hệ thống thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung đã gắn cải cách bộ máy với cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành, thay đổi phương thức quản lý, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành Tài chính, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của ngành Thuế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác hiện đại hóa ngành Thuế, nhất là quản lý thuế, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế của mình thông qua thực hiện rộng rãi và nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; đồng thời việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý thuế đã giúp cho công tác quản lý thuế ngày càng hiệu lực và hiệu quả.

Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của ngành Thuế
Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của ngành Thuế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

“Thực hiện lời dạy của Bác Hồ là “thu thuế phải thu được cả lòng dân”, trong những năm gần đây, Tổng cục Thuế đã triển khai các dịch vụ thuế điện tử đem lại nhiều tiện ích cho người dân như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; thí điểm nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu… Những dịch vụ này giúp cho người dân có thể ngồi ở nhà để nộp thuế mà không cần đến cơ quan thuế” - Thủ tướng nói.

Với những nỗ lực của cả hệ thống thuế, Chỉ số nộp thuế đã tăng 22 bậc trong Báo cáo môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Đồng thời, theo khảo sát, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức độ hài lòng của người nộp thuế đã tăng từ 75% năm 2016 lên 78% năm 2019.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam