Chính sách thuế đồng hành cùng doanh nghiệp trong khó khăn

10:30 | 20/01/2021 Print
(TBTCVN) - Với một năm nhiều biến động như năm 2020, mới thấy rõ được ý nghĩa của chính sách thuế đồng hành cùng doanh nghiệp. Một loạt các chính sách về miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí (còn được kéo dài sang nửa năm 2021), giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tái đầu tư..

Các chính sách hỗ trợ về thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất

Các chính sách hỗ trợ về thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Giảm thuế nhanh và sâu hỗ trợ doanh nghiệp

Không chỉ đến thời điểm khó khăn của năm 2020, Chính phủ, Bộ Tài chính mới quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) liên quan đến thực hiện các chính sách thuế. Ở Việt Nam, trước ngày 1/1/2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định thuế suất áp dụng chung là 25%. Từ ngày 1/1/2014 Luật số 32/2013/QH13 đã quy định lộ trình áp dụng thuế suất thuế TNDN, theo đó từ 1/1/2014 áp dụng thuế suất phổ thông là 22% và từ ngày 1/1/2016 là 20%. Riêng doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ là DN có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng, được áp dụng thuế suất 20% từ ngày 1/7/2013, sớm hơn so với lộ trình nêu trên.

Do đó, chỉ tính riêng về chính sách thuế TNDN, thuế TNDN đã được điều chỉnh giảm dần từ 32% xuống 28%, 25%, 22% và nay là 20% với DN lớn và 17% với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa chi phí tính thuế và chi phí thực tế ngày càng thu hẹp. Có thể nói, một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư, quay trở lại có đóng góp cho nền kinh tế và cho ngân sách.

Trong suốt giai đoạn đã qua, với quyết tâm đồng hành cùng DN, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của DN, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, như: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN. Trong lĩnh vực thuế, hải quan với mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng quản lý hiện đại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính cũng luôn theo dõi sát thực tế, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền để ban hành hoặc sửa đổi pháp luật về thuế với nhiều chính sách hỗ trợ DN kịp thời, hiệu quả trước những biến động, khó khăn. Năm 2020, để hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Ước tính, trong năm 2020 đã gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

“Cố gắng rất lớn của Chính phủ”

Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, nếu như ngân sách “có của ăn, của để” thì việc triển khai các giải pháp miễn, giảm thuế, phí không có gì phải bàn, nhưng ngân sách hiện nay còn nhiều khó khăn, vẫn phải đảm bảo nguồn cho chi đầu tư phát triển, chi các nhiệm vụ thường xuyên theo dự toán và các khoản chi cấp bách phát sinh khác.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thu ngân sách năm 2020 khó khăn hơn rất nhiều, do hậu quả của Covid-19. Trong khi đó, chi ngân sách ngoài các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi chính sách an sinh xã hội, còn phải chi cho phòng, chống Covid-19, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn… Do đó, đề xuất gia hạn nộp thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất cho nhiều đối tượng doanh nghiệp cũng như đề xuất giảm nhiều khoản phí, lệ phí trong thời gian qua là cố gắng rất lớn của Chính phủ.

Trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Vừa qua, Bộ đã ban hành quy định kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện như: tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không; kéo dài thời gian thực hiện việc giảm nhiều khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2021. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành để có đề xuất phù hợp trong thời gian tới.

Ngoài các giải pháp về thuế, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Đề xuất nhiều giải pháp về thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), người dân, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước...

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam