Hòa Bình: Cơ quan thuế và kho bạc phối hợp thu ngân sách hiệu quả

17:18 | 09/01/2021 Print
Trong năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt 4.102 tỷ đồng, bằng 92% dự toán trung ương giao, bằng 82% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao và bằng 113% so với thực hiện năm 2019.

Cục Thuế Hòa Bình

Bộ phận "Một cửa" tại Cục Thuế Hòa Bình. Ảnh: H.T

Ông Phạm Văn Phong - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hòa Bình cho biết, từ khi triển khai thực hiện công tác phối hợp, ủy nhiệm thu và hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hòa Bình đã đánh dấu một bước đột phá trong công tác phối hợp thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu ngân sách. Toàn bộ khoản thu ngân sách của kho bạc tại các ngân hàng đã được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống các tài khoản NSNN và truyền thông tin về khoản thu sang cơ quan thuế. Việc phối hợp này đã bảo đảm tập trung kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN, tránh thất thoát tiền thuế.

Bên cạnh đó, việc phối hợp thu giữa cơ quan thuế và kho bạc đã thống nhất số liệu thu NSNN, đảm bảo xử lý dữ liệu thu và hạch toán số thuế đã thu vào NSNN kịp thời, chính xác.

Theo ông Phong, việc phối hợp thu này đã góp phần đổi mới cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục thu, nộp NSNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, nhanh chóng, dễ dàng và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.

Ngoài việc phối hợp thu nhanh, kịp thời các khoản thu vào NSNN, Cục Thuế Hòa Bình và KBNN Hòa Bình còn phối hợp rất tốt trong việc thu khấu trừ 2% thuế giá trị gia tăng đối với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn NSNN. Theo đó, hàng năm, KBNN Hòa Bình đã thực hiện khấu trừ giữ lại tiền thuế giá trị gia tăng 2% giúp cho công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời hơn (năm 2018, KBNN Hòa Bình thực hiện thu gần 27,9 tỷ đồng; năm 2019 thu 38,5 tỷ đồng và năm 2020 thu 41,5 tỷ đồng).

Đặc biệt, ông Phong cho biết, việc quản lý nợ thuế luôn là một công việc rất khó đối với các cục thuế vì đối tượng nợ thuế thuộc nhiều thành phần khác nhau. Nhưng cũng nhờ vào việc phối hợp kịp thời trong công tác quản lý thu nợ thuế qua KBNN Hòa Bình đã giúp cho Cục Thuế Hòa Bình quản lý, giám sát và thông tin cho người nộp thuế về số thuế còn nợ đọng, từ đó người nộp thuế có kế hoạch và chủ động hơn trong việc nộp số thuế còn nợ đọng cho NSNN.

Theo số liệu tổng kết, trong năm 2020, Cục Thuế Hòa Bình đã có công văn gửi KBNN Hòa Bình về việc phối hợp đôn đốc, xử lý nợ thuế của 98 doanh nghiệp, với tổng số nợ thuế trên 116,2 tỷ đồng, trong đó số thuế không tính tiền chậm nộp là 92,7 tỷ đồng.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam