Giá dầu thế giới đi lên trong phiên 8/7

10:05 | 09/07/2021 Print
Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 8/7 sau khi giảm ở đầu phiên giữa bối cảnh dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ xăng và dầu thô của nước này giảm mạnh trong tuần trước.

Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New York, Mỹ.

Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New York, Mỹ.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 74 xu Mỹ (1%), lên 72,94 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 69 xu Mỹ (0,9%), lên 74,12 USD/thùng. Đầu phiên này, giá của hai loại dầu trên đều chạm mức thấp nhất ba tuần.

Dù tăng trong phiên này, song giá dầu Brent Biển Bắc vẫn thấp hơn khoảng 3 USD so với mức đóng cửa phiên 5/7. Hiện tại, giới đầu tư vẫn quan ngại về nguồn cung dầu toàn cầu vẫn có thể tăng lên sau khi các cuộc đàm phán chính sách giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+ bị hoãn vô thời hạn do sự bất đồng nội bộ.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 6,9 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 2/7), xuống 445,5 triệu thùng. Con số này vượt dự báo của các nhà phân tích là giảm 4 triệu thùng. Dự trữ xăng cũng giảm 6,1 triệu thùng trong tuần trước, xuống 235,5 triệu thùng, nhiều hơn mức dự báo là giảm 2,2 triệu thùng.

Giá dầu kỳ hạn đã sụt giảm gần đây do sự đổ vỡ trong các cuộc thảo luận giữa các nhà sản xuất dầu mỏ lớn gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Bất đồng giữa hai nước này đã xảy ra vào tuần trước, khi Riyadh và Abu Dhabi mâu thuẫn về đề xuất liên quan tới thỏa thuận gia tăng nguồn cung. Nga và Saudi Arabia kỳ vọng sẽ nâng dần sản lượng dầu mỏ một cách thận trọng trong vòng nửa cuối năm 2021 và gia hạn thêm 8 tháng thỏa thuận về nguồn cung mà các thành viên OPEC+ đã cam kết hồi năm ngoái, dự kiến kết thúc vào tháng 4/2022. Tuy nhiên, UAE từ chối tăng sản lượng khai thác dầu mỏ lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, theo đề xuất của Nga và Saudi Arabia.

Các nhà đầu tư lo ngại các thành viên của OPEC+ có thể từ bỏ các hạn ngạch sản lượng mà họ đã tuân theo trong thời kỳ đại dịch. Nhóm này hiện vẫn đang duy trì sản lượng dầu ở mức gần 6 triệu thùng/ngày và dự kiến sẽ thu hẹp mức cắt giảm sản lượng dầu trong năm nay.

Nga đang cố gắng làm trung gian để giúp đạt được một thỏa thuận tăng sản lượng.

Mối quan tâm về đại dịch cũng đè nặng lên giá dầu, khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang "trỗi dậy" đã buộc Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo xuyên suốt Thế vận hội (Olympic). Trong khi đó, Hàn Quốc đã báo cáo số ca mắc COVID-19 hàng ngày cao nhất từ trước tới nay.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam