COVID-19 tới 6h sáng 7/7: Trên 4 triệu ca tử vong; Brazil cho phép huỷ bỏ bản quyền vaccine

07:10 | 07/07/2021 Print
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 400.000 ca nhiễm và trên 7.400 ca tử vong, khiến số người thiệt mạng vì đại dịch vượt mốc 4 triệu.

campuchia

Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2/7/2021.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7/7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 185.337.343 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.008.086 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 409.158 và 7.435 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 169.689.525 người, 11.639.732 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.711 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (62.504 ca), Ấn Độ (43.344) và Anh (28.773 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 743 ca), tiếp theo là Brazil (với 718 ca) và Nga (663 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.615.071 người, trong đó có 621.535 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.662.283 ca nhiễm, bao gồm 404.219 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 18.855.015 ca bệnh và 526.892 ca tử vong.

ấn độ
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 26/6/2021.

Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine

Hạ viện Brazil ngày 6/7 đã thông qua nội dung chính của một dự luật cho phép phá vỡ bản quyền trong việc sản xuất vaccine và các loại dược phẩm trong các trường hợp tình trạng y tế công khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Theo đó, dự luật ủy quyền cho Quốc hội Brazil thông qua luật phá vỡ bỏ quyền mà không cần sự chấp thuận hay hỗ trợ từ các hãng dược phẩm. Hồi cuối tháng 4, Thượng viện Brazil cũng đã thông qua dự luật cho phép dừng việc bảo hộ bảo quyền vaccine COVID-19 trong thời gian đại dịch.

Cùng ngày, cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa thông báo đã phê chuẩn thử nghiệm lâm sàng mới đối với ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 do Sanofi Pasteur - bộ phận sản xuất vaccine của tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp, phát triển và thử nghiệm. Theo Anvisa, đây sẽ là vaccine "thế hệ tiếp theo" sử dụng công nghệ mRNA và nghiên cứu lâm sàng ở giai đoạn 1 và 2, với khoảng 150 tình nguyện viên ở Brazil.

brazil
Nhân viên y tế điều trị chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Manaus, Brazil.

Cũng theo Bộ Y tế Brazil, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 62.504 ca mắc mới và 1.780 trường hợp tử vong. Hiện Brazil vẫn đứng thứ 2 thế giới về số ca tử do dịch COVID-19, sau Mỹ.

Ấn Độ đã tiêm hơn 300 triệu liều vaccine

Tờ Hindustand Times số ra ngày 6/7 đưa tin tính đến 19h ngày 5/7, Ấn Độ đã tiêm 357.105.461 liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân nước này ở khắp các bang và vùng lãnh thổ. Riêng trong ngày 5/7, Ấn Độ đã tiêm được 4.134.868 liều.

Kể từ khi bắt đầu giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng đến nay, có 102.596.048 người trên cả nước đã được tiêm liều đầu tiên và 2.919.735 người đã được tiêm liều thứ hai.

Ấn Độ triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ở tất cả các bang, vùng lãnh thổ trên toàn quốc trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ngày 5/7 tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp ứng dụng phần mềm quản lý tiêm chủng (CoWIN) phiên bản Ấn Độ cho tất cả các nước trên thế giới nhằm quản lý, kiểm soát và triển khai ứng dụng kỹ thuật số trong quá trình tiêm chủng cho người dân một cách chặt chẽ, khoa học và minh bạch.

covid19
Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ.

Về tình hình dịch bệnh, ngày 6/7, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này có thêm 34.703 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày thấp nhất trong 111 ngày qua. Cùng ngày, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 553 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 tại Ấn Độ lên 403.281 ca.

Bangladesh cần nguồn cung vaccine và oxy khẩn cấp

Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 6/7 cho rằng cần hành động khẩn cấp để tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cũng như nguồn cung oxy khi mà các bệnh viện tại Bangladesh đang rơi vào tình trạng quá tải do số ca bệnh tăng vọt.

Theo IFRC, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cao đang lây lan nhanh tại khu vực thành thị cũng như nông thôn ở Bangladesh, gây ra hàng trăm ca tử vong mỗi tuần. Đặc biệt, các bệnh viện tại những khu vực biên giới giáp với Ấn Độ đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong mới tăng mạnh. Tại thủ đô Dhaka, khoảng 78% ca bệnh là do nhiễm biến thể Delta. Hiện lực lượng IFRC tại Bangladesh đang nỗ lực hỗ trợ nước này ứng phó với dịch bệnh nhằm giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, trong đó có cung cấp xe cứu thương miễn phí 24/24 và bình oxy, đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người bị mất việc làm hoặc thu nhập vì dịch bệnh.

Người đứng đầu phái đoàn IFRC tại Bangladesh Sanjeev Kafely cho rằng dịch bệnh đang tác động tàn khốc đến hàng triệu người ở quốc gia Nam Á này, trong đó nhiều người bị mất việc làm và sinh kế. Tiêm chủng đại trà là "chìa khóa" để chấm dứt các ca nhiễm mới, tử vong cũng như những khó khăn do dịch bệnh gây ra tại Bangladesh và ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Anh nới lỏng hơn nữa các biện pháp chống dịch

Ngày 6/7, Anh thông báo kế hoạch sẽ nới lỏng hơn nữa các hạn chế chống dịch COVID-19 bất chấp cảnh báo rằng số ca mắc mới theo ngày có thể tăng lên tới mức 100.000 ca/ngày.

Theo đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết kể từ ngày 16/8 tới, những người trưởng thành đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ không cần tự cách ly nếu tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Thay vào đó những người này chỉ cần tiến hành xét nghiệm và chỉ cách ly nếu có kết quả dương tính. Những quy định tương tự cũng sẽ áp dụng với những đối tượng dưới 18 tuổi, chưa được tiêm vaccine tại Anh. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết quy định mới sẽ có hiệu lực trước khi học sinh được phép trở lại trường vào tháng 9, sau nhiều tháng đóng cửa hoàn toàn.

Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế, trong đó có cả việc bỏ đeo khẩu trang và giãn cách xã hội kể từ ngày 19/7, kêu gọi trách nhiệm cá nhân hơn là việc áp đặt sắc lệnh của chính phủ.

Giới chức Australia kêu gọi sống chung với dịch bệnh

Ngày 6/7, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg kêu gọi chính phủ và người dân nước này cần làm quen với việc “sống chung với dịch bệnh COVID-19”. Ông Frydenberg cho rằng Australia cần chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát số ca nhiễm sang việc sống chung với virus SARS-CoV-2, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để giảm thiểu mối đe dọa thực sự là số ca bệnh nặng phải nhập viện và số ca tử vong. Ông Frydenberg nhấn mạnh người dân Australia cần làm quen với việc sống chung với COVID-19 vì hiện tại việc loại trừ hoàn toàn virus gây bệnh là không thể.

Nhận định trên của ông Frydenberg phù hợp với các ý kiến của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Giám đốc Y tế Liên bang Paul Kelly đưa ra tuần trước, khi ông Morrison thông báo kế hoạch 4 giai đoạn phòng chống đại dịch dựa trên các ngưỡng tiêm chủng cần đạt được cho mỗi giai đoạn.

Ông Frydenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng trong việc sống chung với COVID-19, song không đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho việc mở cửa trở lại biên giới quốc gia để đưa đất nước trở lại bình thường.

Israel trao đổi 700.000 liều vaccine của Pfizer cho Hàn Quốc

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết nước này đã nhất trí trao đổi khoảng 700.000 liều vaccine Pfizer/ BioNTech với Hàn Quốc để tránh nguy cơ lãng phí vaccine vì hết hạn. Báo Haarets dẫn lời ông Bennett cho biết việc chuyển giao vaccine cho phía Hàn Quốc sẽ bắt đầu được triển khai ngay trong tháng 7 này. Cũng theo thỏa thuận trao đổi này thì trong tháng 9-10 tới, Israel sẽ tiếp nhận một số lượng vaccine Pfizer tương ứng có được từ đơn đặt hàng của Seoul với nhà sản xuất.

Hiện phía Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này. Trên thực tế, thời gian qua, Hàn Quốc đã nhanh chóng phân phối số vaccine phòng COVID-19 mà nước này được bàn giao và hiện đang chật vật để tìm thêm nguồn cung đảm bảo duy trì chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh các nguồn vaccine trên toàn cầu eo hẹp, đặc biệt là ở châu Á.

Thủ tướng Luxembourg mắc COVID-19

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel bị mắc COVID-19 và đang trong tình trạng "nghiêm trọng nhưng vẫn ổn định", hiện ông đang được theo dõi tại bệnh viện.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Luxembourg hôm 5/7 cho biết Thủ tướng Xavier Bettel hôm 4/7 đến bệnh viện để kiểm tra bổ sung do những triệu chứng nhức đầu, ho, sốt vẫn dai dẳng trong suốt 1 tuần trước đó. Trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Luxembourg nhấn mạnh do các triệu chứng của COVID-19 không thuyên giảm nên Thủ tướng Xavier Bettel phải nhập viện để theo dõi y tế. Tình trạng hiện tại của Thủ tướng được coi là nghiêm trọng, nhưng ổn định nhưng ông vẫn phải ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi từ 2-4 ngày.

Để đảm bảo hoạt động của chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Pierre Gramegna, được chỉ định ký các văn bản thay Thủ tướng. Trong khi đó, ông Xavier Bettel vẫn thực hiện các chức năng của người đứng đầu chính phủ một cách bình thường.

Thủ tướng Xavier Bettel đã tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên vào ngày 6/5 và vẫn chưa tiêm mũi vaccine thứ 2. Ngày 27/6, ông Xavier Bettel bắt đầu thời gian cách ly 10 ngày sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels. Người đứng đầu chính phủ Luxembourg sau đó xuất hiện các triệu chứng nhẹ như sốt, nhức đầu. Không có bất cứ trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao nào được thi nhận, đồng thời Thủ tướng luôn tuân thủ các nguyên tắc về giữ khoảng cách trong giao tiếp và đeo khẩu trang.

tiêm vaccine
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Modiin, Israel, ngày 5/7/2021

Hàn Quốc ghi nhận cả 4 biến thể chính của SARS-CoV-2

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 6/7 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 325 ca mắc 4 biến thể chính của virus SARS-CoV-2, trong đó có 153 ca nhiễm biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh. Hiện tổng số ca nhiễm các biến thể ở Hàn Quốc đã lên tới 2.817 ca, trong đó số ca nhiễm biến thể Delta là 416 ca.

Trong số các ca nhiễm những biến thể mới nói trên, 168 ca nhiễm biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh, 153 ca nhiễm biến thể Delta phát hiện từ Ấn Độ và 4 ca nhiễm biến thể Gamma từ Brazil. KDCA cảnh báo Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ có thêm nhiều ca nhiễm biến thể Delta. Cơ quan này cũng đưa ra dự báo rằng tính đến hết tháng 8 tới sẽ có tới 90% số ca mắc mới ở châu Âu và Mỹ nhiễm biến thể Delta. Tính đến nay, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm mũi thứ 1 vaccine ngừa COVID-19 cho tổng cộng 15,4 triệu người, tương đương 30% dân số trong khi 5,32 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 10,5% dân số.

Nhật Bản: 2 tuần trước Olympics, thêm hàng trăm ca nhiễm/ngày ở Tokyo

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có 593 ca nhiễm mới, tiếp tục đà tăng trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Olympic và Paralympic Tokyo. Số ca bệnh trung bình trong một tuần tại Tokyo hiện là 602,3 ca/ngày, trên mức 500 ca/ngày mà chính phủ đánh giá là mức nguy hiểm thứ 4 trên thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh gồm 4 cấp độ.

Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới đối với du khách tới từ một số nước, trong đó có Indonesia, Kyrgyzstan và Zambia, nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể mới lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2. Trong một số sửa đổi đối với các biện pháp kiểm soát biên giới có hiệu lực từ ngày 9/7, du khách tới từ các quốc gia trong danh sách sẽ được yêu cầu cách ly tại các cơ sở được chỉ định trong thời gian lâu hơn và phải xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. Những người đến từ Zambia sẽ phải cách ly 10 ngày, trong khi thời gian cách ly đối với du khách Indonesia và Kyrgyzstan sẽ tăng lần lượt ở các mức hiệu tại 6 ngày và 3 ngày lên thành 10 ngày. Du khách tới từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ tăng thời gian cách ly từ 3 lên 6 ngày.

Nga: Dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nga. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 23.378 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.658.672 người. Trong khi đó, số ca tử vong ghi nhận theo ngày cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay - 737 ca, đưa tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 139.316 trường hợp.

Chile gỡ phong toả ở thủ đô

Chile cũng thông báo sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô Santiago từ ngày 8/7, căn cứ trên sự chuyển biến tích cực của tình hình dịch bệnh tại đây. Theo đó, 28 thành phố và thị trấn của Chile sẽ triển khai thực hiện quy định giãn cách xã hội chỉ vào cuối tuần. Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho biết tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 trên tổng các xét nghiệm ở khu vực thủ đô đã giảm còn 3,7%, trong khi số ca nhiễm mới liên tục giảm. Tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới 1.572.608 ca nhiễm, bao gồm 33.249 ca tử vong.

Dịch quá căng thẳng, Indonesia xin trợ giúp

Chính phủ Indonesia đã đề nghị một số quốc gia, trong đó có Singapore và Trung Quốc, hỗ trợ nước này ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 vốn đang diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết đây là một phần trong kịch bản ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 ở ngưỡng 40.000 - 70.000 ca/ngày. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã liên lạc với Singapore, Trung Quốc và các nguồn khác. Thực sự chúng tôi đã làm mọi công việc một cách toàn diện".

Chính phủ Indonesia cũng đang phối hợp với Facebook, Google và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm thu thập dữ liệu về hoạt động di chuyển của người dân, giúp giám sát thực thi Lệnh Hạn chế các sinh hoạt cộng đồng (PPKM) khẩn cấp. Bộ trưởng Luhut cho biết chính phủ cũng để ngỏ khả năng hợp tác với các quốc gia khác và tiếp tục tìm cách giải quyết tình trạng hàng chục nghìn ca mới mắc COVID-19 mỗi ngày.

Song song với đó, Indonesia cũng đang huy động các nguồn lực trong nước, trong đó có quân đội và cảnh sát, nhằm giám sát cộng đồng cũng như xây dựng các bệnh viện dã chiến.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết bộ này sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 với mục tiêu tiêm chủng 5 triệu liều/ngày theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo. Theo Bộ trưởng Budi, Tổng thống đã chỉ đạo tiêm 1 triệu liều/ngày trong tháng 7, đạt mức 2 triệu liều trong tháng 8 và nếu cần có thể tăng lên 5 triệu liều. Ông khẳng định mục tiêu này sẽ đạt được trong bối cảnh nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 trong 6 tháng cuối năm nay tăng so với nửa đầu năm vừa qua. Theo tính toán, Indonesia cần ít nhất 363 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tương đương 70% dân số, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Cùng với chiến dịch tiêm chủng, Indonesia cũng đang xem xét việc nhập khẩu oxy từ các nước láng giềng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng loại khí này tăng cao khi nước này phải chống chọi với đại dịch COVID-19 đang ngày một trầm trọng. Bộ Công nghiệp Indonesia thông báo một số nhà sản xuất như Linde Group, Air Products and Chemicals Inc., Air Liquide SA và Iwatani Corp cho biết đã sẵn sàng vận chuyển oxy lỏng đến Indonesia từ các cơ sở tại Singapore và Malaysia. Thời gian vận chuyển dự kiến trong khoảng 7 ngày.

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr hồi tháng 5 vừa qua và sự xuất hiện của các biến thể mới. Số ca mắc mới hàng ngày đã liên tục lập đỉnh trong những tuần gần đây. Ngày 6/7, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 31.189 ca mắc mới và 728 ca tử vong, đều là mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây gần một năm rưỡi. Tới nay, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Indonesia lần lượt là 2.345.018 ca và 61.868 ca.

Philippines ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới

Ngày 6/7, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo có thêm 4.114 ca mắc mới COVID-19, nâng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.445.832 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 25.296 ca sau khi có thêm 104 bệnh nhân không qua khỏi.

Philippines đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong các mẫu bệnh phẩm của công dân trở về nước và từng đến Saudi Arabia. Với việc phát hiện thêm 2 ca mắc biến thể Delta, số ca nhiễm biến thể này tại Philippines đã lên tới 19 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Alpha ở Philippines là 1.217, còn số ca nhiễm biến thể Beta đã tăng lên 1.386 ca.

Campuchia: Gần 1.000 ca mắc mới/ngày

Số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao xấp xỉ 1.000 ca/ngày, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 và số người tử vong vì đại dịch liên tục ở mức cao vẫn là diễn biến chung của tình hình dịch bệnh tại Campuchia thời gian gần đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 6/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 935 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua (bao gồm cả 155 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ khi dịch bùng phát vượt mốc 56.000 ca. Ngày 6/7 cũng là một ngày tồi tệ với Campuchia khi số ca tử vong vì COVID-19 tại đây ở mức cao thứ hai từ đầu dịch với 31 người tử vong. Tới nay đã có tổng cộng 779 người không qua khỏi vì COVID-19 tại quốc gia này.

Trong diễn biến liên quan, thêm 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã về tới Campuchia trong ngày 6/7. Tới nay, Campuchia đã nhận 12 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 90% vaccine mua của Trung Quốc và được Trung Quốc viện trợ. Dự kiến đến tháng 8, Campuchia sẽ nhận tổng cộng 20 triệu liều vaccine, đủ để tiêm phòng cho 10 triệu người theo mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Thái Lan đặt mua hàng chục triệu liều vaccine Pfizer

Ngày 6/7, Nội các Thái Lan đã thông qua việc ký kết thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine của Pfizer và mua thêm 10,9 triệu liều vaccine của Sinovac Biotech.

Chính phủ Thái Lan không tiết lộ ngân sách mua vaccine của Pfizer. Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Thái Lan, ông Anucha Burapachasri, cho biết ngân sách mua vaccine của Sinovac sẽ không vượt qua 6,1 tỷ baht (khoảng 190 triệu USD) và khoản tiền này sẽ được trích từ các khoản vay theo một sắc lệnh hành pháp.

Dự kiến, lô vaccine của Pfizer đặt hàng nói trên sẽ tới Thái Lan vào tháng 10. Trước đó, một số quan chức của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã nói rằng 1,5 triệu liều vaccine Pfizer do Mỹ trao tặng sẽ đến trong tháng này và tháng 8.

Trong khi đó, các nhà chức trách y tế Thái Lan ngày 6/7 cảnh báo biến chủng Delta đang nhanh chóng lây lan khắp đất nước sau khi có thêm 57 ca tử vong do COVID-19 và 5.420 ca nhiễm mới được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch lên 294.653 ca, trong đó có 2.333 ca tử vong.

Lào ghi nhận thêm nhiều ca nhập cảnh

Ngày 6/7, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 55 ca mắc mới COVID-19, trong đó có đến 54 trường hợp là người lao động nhập cảnh về nước từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có một ca trong cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn.

Dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, Bộ Y tế Lào tiếp tục vận động người dân tiêm đủ hai mũi vaccine. Bộ trên cũng cảnh báo người dân vẫn có thể mắc COVID-19 kể cả đã tiêm vaccine đầy đủ. Chính vì vậy, người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện hành, tăng cường đoàn kết và hợp tác với chính quyền trong việc đẩy lùi đại dịch.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam