Đơn giản hóa việc triển khai hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

20:06 | 30/07/2019 Print
Thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP về triển khai hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp Việt với đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện còn gặp nhiều vướng mắc trong khâu triển khai. Vậy giải pháp nào “gỡ rối” cho những vướng mắc của doanh nghiệp?

hóa đơn điện tử

Đại diện Công ty Cổ phần MISA đã có những ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Tại Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử, do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội vào chiều 30/7, bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA cho biết, hầu hết các doanh nghiệp chưa triển khai sử dụng hóa đơn điện tử đều có chung lý do, như: còn nhiều hóa đơn giấy nên cố “tận dụng” nốt số hóa đơn đã in; chưa đến thời hạn bắt buộc triển khai; do tâm lý ngại thay đổi của doanh nghiệp dẫn đến việc không sẵn sàng tiếp cận hóa đơn điện tử; nhiều doanh nghiệp còn quan ngại về vấn đề an toàn, bảo mật của hóa đơn điện tử khi thực hiện trên môi trường internet, không tin tưởng vào công cụ, an ninh an toàn của nhà cung cấp...

Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định lộ trình bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử đối với 100% doanh nghiệp tại Việt Nam đã chính thức có hiệu lực gần 1 năm và đã đạt được những kết quả ban đầu.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ cũng đã đưa ra yêu cầu: “Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai hóa đơn điện tử tại 2 thành phố "đầu tàu" của cả nước và các thành phố lớn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và triển khai thành công hóa đơn điện tử trên khắp cả nước. Đặc biệt, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đang hướng tới việc hoàn thành mục tiêu phủ sóng hóa đơn điện tử 100% tại các doanh nghiệp trong năm 2019.

MeInvoice.vn là phần mềm hóa đơn điện tử cho phép khởi tạo, phát hành và tra cứu hóa đơn không chỉ trên máy tính mà còn trên các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng giúp làm việc mọi lúc mọi nơi, đẩy nhanh quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Bà Thúy cho rằng, như vậy, việc doanh nghiệp cố tình “né” hóa đơn điện tử là điều không hợp xu thế. Thay vào đó, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt. Việc này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, nhân lực, quản trị cho doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường đang không ngừng phát triển.

Theo bà Thúy, ứng dụng sớm sẽ giúp doanh nghiệp sớm chuẩn hóa được các quy trình, nghiệp vụ kế toán cho phù hợp, tránh vướng mắc khi Nhà nước chính thức bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, để đảm bảo cho sự an toàn, bảo mật, tính pháp lý của hóa đơn, doanh nghiệp nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có kinh nghiệm triển khai các giải pháp về tài chính – kế toán – thuế, có các giải pháp an toàn, bảo mật cao cho hóa đơn điện tử.

Bà Thúy cho biết, là doanh nghiệp triển khai các giải pháp về tài chính – kế toán – thuế, Công ty cổ phần MISA – đã triển khai hóa đơn điện tử cho hơn 20.000 doanh nghiệp thông qua sản phẩm meInvoice.vn - hóa đơn điện tử duy nhất được ứng dụng công nghệ blockchain. Trong quá trình triển khai MISA, ngoài tư vấn trực tiếp, MISA còn phối với cơ quan thuế tuyên truyền về lợi ích của hóa đơn điện tử.

"Với các doanh nghiệp thì chi phí khi chuyển đổi sang hóa đơn điện tử không phải là vấn đề đáng lưu tâm mà quan trọng nhất là phải vượt qua rào cản, thay đổi thói quen. Do vậy, công tác truyền thông, đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là rất cần thiết" - bà Thúy nêu quan điểm./.

Doanh nghiệp cần làm gì để có thể sử dụng hóa đơn điện tử?

Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế, có đầy đủ điều kiện và đang có giao dịch điện tử trong mục khai thuế với cơ quan thuế (ví dụ như tiến hành nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng,…).

Doanh nghiệp có thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng (có thực hiện chuyển khoản qua Internet Banking, …..).

Doanh nghiệp sở hữu chữ ký số (chữ ký điện tử) hợp lệ, có giá trị pháp lý trước pháp luật.

Doanh nghiệp sở hữu cơ sở hạ tầng đầy đủ để thực hiện khởi tạo, chỉnh sửa, xuất và gửi hóa đơn điện tử như: đường truyền tải thông tin điện tử (mạng Internet), các thiết bị truyền tin (máy tính bàn, laptop, một số thiết bị điện tử khác,…), có hệ thống cơ sở lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử.

Doanh nghiệp sở hữu đội ngũ công nhân viên chức có đủ trình độ, khả năng để thực hiện khởi tạo, chỉnh sửa, sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp sở hữu phần mềm kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được kết nối với phần mềm kế toán; đảm bảo rằng mọi thông tin dữ liệu liên quan tới hóa đơn điện tử sẽ được tự động chuyển vào phần mềm kế toán thời điểm bắt đầu khởi tạo hóa đơn.

Khánh Huyền

Khánh Huyền

© Thời báo Tài chính Việt Nam