Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi: Tháo gỡ nhiều vướng mắc cho người nộp thuế

10:23 | 15/02/2019 Print
(TBTCVN) - Đây là nhận định của ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc điều hành của ICHAM (Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN về dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Cán bộ Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ thủ tục cho người nộp thuế.

Cán bộ Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ thủ tục cho người nộp thuế.

PV: Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có đề xuất các nguyên tắc để quy định cụ thể các nội dung liên quan trong dự thảo luật, như: áp dụng nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức khi xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; nguyên tắc quản lý rủi ro... Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Phạm Hoàng Hải: Đầu tiên, phải nói rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, kết quả đầu tiên và rõ nhất là chúng ta đã giảm số giờ nộp thuế của Việt Nam từ 537 giờ xuống còn 117 giờ. Đây là một con số rất đáng khích lệ vì nó đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Với bối cảnh ngày càng hội nhập hóa và toàn cầu hóa thì việc tiếp tục sửa đổi Luật Quản lý thuế là vô cùng cần thiết để tạo được một môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tăng cường thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Tôi xin phép đi vào Điều 5 – nguyên tắc về quản lý thuế. Cụ thể, tôi rất đồng tình với ý kiến nên “thu tại nguồn”. Theo đó, nếu Việt Nam là nguồn lợi nhuận thì Việt Nam được phép thu thuế đối với toàn bộ giá trị phát sinh từ Việt Nam, đồng thời bổ sung nguyên tắc giao dịch độc lập. Chúng ta đều biết, hiện tượng chuyển giá xảy ra rất thường xuyên với các tập đoàn đa quốc gia, và nếu chúng ta muốn biến Việt Nam thành thiên đường đầu tư cho các tập đoàn đa quốc gia thì chúng ta phải học cách giải quyết vấn đề này. Việt Nam đã ký 77 hiệp định tránh đánh thuế trùng với các quốc gia trên thế giới (trong khi Thái Lan ký 61 hiệp định, Singapore ký 100 hiệp định và Malaysia ký 74 hiệp định), điều này chứng tỏ Việt Nam rất cởi mở trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, chúng ta nên đẩy mạnh “thu tại nguồn” để giúp hạn chế các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước khác, làm xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn này.

PV: Theo ông, việc áp dụng nguyên tắc tính thuế trên cơ sở bản chất giao dịch quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?

Ông Phạm Hoàng Hải: Theo ý kiến của cá nhân tôi thì đây cũng là một trong những thay đổi mang tính bản lề của dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này. Như chúng ta cũng đã biết, rất nhiều các nước trên thế giới đã áp dụng nguyên tắc tính thuế trên cơ sở bản chất giao dịch quyết định hình thức. Tôi đồng ý rằng điều này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng cũng sẽ có một số các vấn đề cần giải quyết nếu chúng ta muốn áp dụng mô hình này.

Đầu tiên, chúng ta cần có thêm các tài liệu hướng dẫn bổ sung để giúp cho kế toán của các doanh nghiệp hiểu rõ sự khác biệt giữa quản lý thuế doanh nghiệp và quản lý tài chính doanh nghiệp. Thứ hai, đối với các giao dịch phức tạp hoặc không rõ ràng thì quyết định bản chất giao dịch sẽ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan và trình độ của kế toán doanh nghiệp. Thứ ba, đó là các chủ doanh nghiệp có thể tận dụng khe hở của quy định (định nghĩa bản chất giao dịch) này để tránh thuế. Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra, quan trọng là chúng ta sẽ xử lý các trường hợp này ra sao thôi. Mặc dù vậy, theo tôi quy tắc này nên áp dụng, không nên chỉ thấy những khó khăn mà bỏ qua những lợi ích mà chúng sẽ mang lại.

PV: Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng đã kéo dài thời gian khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân thêm 30 ngày (từ 90 ngày lên 120 ngày). Đồng thời, quy định người nộp thuế không phải tính chậm nộp, không phải kê khai bổ sung thuế trong trường hợp cơ quan quản lý thuế cấp dưới ra quyết định xử phạt không đúng… Theo ông những quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho người nộp thuế?

Ông Phạm Hoàng Hải: Thông thường ngày 31/3 năm sau là thời hạn chậm nhất nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm trước. Đây chính là “mùa quyết toán thuế”, ngành Thuế cũng như người nộp thuế rất vất vả trong thời điểm này. Để cải cách việc quyết toán thuế TNCN theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế, quy định như dự thảo là một bước tiến mới trong việc thực hiện chủ chương của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, quy định người nộp thuế không phải tính chậm nộp, không phải kê khai bổ sung thuế trong trường hợp cơ quan quản lý thuế cấp dưới ra quyết định xử phạt không đúng… đã cụ thể hóa nguyên tắc bản chất quyết định hình thức đã đề cập trên đây.

Những quy định thuận lợi cho người nộp thuế của dự thảo luật, cũng như những kết quả về cải cách thủ tục hành chính đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá tích cực thể hiện ở hai điểm sau: Thứ nhất, làm giảm áp lực cho người nộp thuế khi vào mùa quyết toán, tạo điều kiện cho người nộp thuế được chủ động hơn về mặt thời gian (do nghỉ tết vào tháng 2 dương lịch – thông thường mất khoảng 10 ngày kể cả thứ 7, chủ nhật, việc này vô hình đã giảm quỹ thời gian để người nộp thuế có thể đi làm thủ tục quyết toán thuế). Thứ hai, điều quan trọng hơn là cách nhìn nhận của cơ quan thế đối với người nộp thuế, cá nhân tôi cũng như các doanh nghiệp được tiếp xúc đều đánh giá là người nộp thuế ngày càng được tôn trọng hơn.

PV: Ngoài nội dung mang tính tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng bổ sung thêm quyền cho người nộp thuế: được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn. Từ quan điểm của các doanh nghiệp ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Phạm Hoàng Hải: Chính phủ đã và đang quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ là tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch. Luật Sửa đổi đưa thêm quy định này đã cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ bằng hành động cụ thể là xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, minh bạch. Cá nhân tôi đánh giá cao việc sửa đổi này, bởi ngoài việc thực hiện việc cải cách hành chính nói chung, đây còn là quy định mang tính công bằng giữa hai chủ thể: người nộp thuế và cơ quan thuế, nhằm hạn chế tình trạng gây khó khăn cho người nộp thuế vẫn còn xảy ra. Tuy vậy, rất cần quy định rõ về nghĩa vụ của cơ quan thuế trong việc đảm bảo để quyền của người nộp thuế được thực hiện đúng và đầy đủ như quy định.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Việt Nam đã ký 77 hiệp định tránh đánh thuế trùng với các quốc gia trên thế giới (trong khi Thái Lan ký 61 hiệp định, Singapore ký 100 hiệp định và Malaysia ký 74 hiệp định), điều này chứng tỏ Việt Nam rất cởi mở trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, chúng ta nên đẩy mạnh “thu tại nguồn” để giúp hạn chế các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước khác, làm xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn này.” Ông Phạm Hoàng Hải

Thảo Miên (thực hiện)

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam