Già hóa dân số: Thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc

17:02 | 18/06/2021 Print
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số khi lực lượng lao động đang trong xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ sinh cũng đang ở mức ngang bằng với các nước có cơ cấu dân số già. Một giải pháp tổng thể cần được đưa ra, không chỉ dừng lại ở việc cho phép sinh con thứ ba.

Mối lo đã hiện hữu

Dân số vốn là một trong những lợi thế lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Nước này đã dựa vào nguồn lực lao động trẻ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp để thúc đẩy kinh tế lên mức tăng trưởng hai con số ấn tượng. Bên cạnh đó, với thị trường rộng lớn Trung Quốc đã tạo được lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên hiện nay, nước này đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số ở mức đáng báo động. Tốc độ tăng dân số Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất sau nhiều thập kỷ. Ngày 11/5/2021, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố báo cáo tổng điều tra dân số nước này cho thấy năm 2020 là năm thứ tư liên tiếp số trẻ sinh thêm ở nước này giảm. Số trẻ sinh ra trong năm 2020 giảm còn 12 triệu, thấp hơn nhiều so với mức 14,65 triệu trẻ của năm 2019. Tổng tỉ suất sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh con của Trung Quốc năm 2020 giảm còn 1,3 con/người (tương tự các nước có dân số già như Ý và Nhật Bản), thấp hơn nhiều so với mức 2,1 con/người - mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.

trung quoc
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số ở mức đáng báo động. Ảnh: TL

Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 – 59 tuổi) giảm xuống dưới 900 triệu, tương đương với khoảng 63% dân số trong năm 2020. Con số này đã giảm tới 7% so với một năm trước đó. Các chuyên gia kinh tế dự báo, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới, trước khi giảm khoảng 5% trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21. Dân số già hóa, giá nhân công đang tăng cao, một phần do thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động.

Bà Yue Su, nhà kinh tế học Economist Intelligence Unit cho biết: “Lợi tức dân số - yếu tố đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây – sẽ nhanh chóng tiêu tan”.

Cho phép sinh con thứ 3

Ngày 31/5/2021, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sau cuộc nhóm họp dưới sự chủ trì Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra quyết định cho phép các cặp vợ chồng nước này sinh con thứ 3, đồng thời nâng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo lực lượng lao động. Theo thời báo Tân Hoa Xã, sự thay đổi trong chính sách, cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con thay vì hai con như trước đây, nhằm cải thiện “cơ cấu nhân khẩu học”, ứng phó với tình trạng dân số già và duy trì “nguồn nhân lực dồi dào” cho nền kinh tế lớn thứ hai thứ giới.

Tại Trung Quốc, nhiều ý kiến tỏ ra không hào hứng với chính sách vừa được thông qua. Một số cho rằng ngoài việc phải chăm sóc một đứa con và phụng dưỡng tứ thân phụ mẫu cùng với món nợ thế chấp đè nặng, họ không nghĩ đến việc sinh thêm con thứ hai, thứ ba. Sinh thêm con cũng gây ra lo ngại đối với công việc của phụ nữ khi họ sẽ khó kiếm việc làm hơn bởi các công ty thường không sẵn lòng gách vác các chi phí.

Vào thập niên 1970, nhằm đối phó với tình trạng quá tải dân số và đạt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, Trung Quốc đã đưa ra chính sách “một con”. Đến năm 2016, quy định này được dỡ bỏ, các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ hai. Tuy nhiên, theo đánh giá của tuần báo Nikkei Asia, Trung Quốc đã không thành công trong việc thuyết phục các gia đình sinh hai con bởi giới trẻ Trung Quốc hiện nay nhìn chung coi việc có con sẽ là gánh nặng tài chính. Họ cho rằng việc có ít hoặc không sinh con là cần thiết để duy trì chất lượng sống.

Chính sách cho phép sinh con thứ ba của Trung Quốc được đánh giá là bước đi cần thiết nhưng chưa thể giải quyết được gốc dễ của vấn đề. Yuan Xin, giáo sư tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, cho biết: “Đây là một động thái chính sách quan trọng, nhưng chính sách 3 con sẽ không dẫn đến sự phục hồi bền vững trong tỷ lệ sinh”.

Theo Bloomberg, để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cần triển khai một chính sách đồng bộ, rộng khắp, bao gồm việc sớm tăng chi tiêu cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe, đồng thời duy trì mức đầu tư cao của cả khối doanh nghiệp và nhà nước, nhằm nâng cấp lĩnh vực kinh tế, nâng cao trình độ học vấn. Ông Liu Li Gang, Giám đốc điều hành kiêm chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại CitiGroup nhận định “Cần có một gói chính sách toàn diện, từ ưu đãi thuế, giáo dục và trợ cấp nhà ở, nghỉ thai sản rộng rãi hơn, cho tới cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em một cách toàn diện. Đồng thời xây dựng mạng lưới an sinh xã hội, cũng như kiềm chế giá nhà ở và giảm chi phí cho hoạt động giáo dục”./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam