Mỹ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp song hành với gói hỗ trợ kinh tế

15:16 | 17/06/2021 Print
Để tiếp đà phục hồi cho kinh tế, FED đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục sau phiên họp của Uỷ ban Thị trường mở liên bang ngày 15-16/6/2021.

FED giữ nguyên lãi suất

Ngày 16/6/2021, sau cuộc họp kéo dài 02 ngày, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ gần bằng 0 (thấp kỷ lục) hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế. Mức lãi suất cơ bản này (0% – 0,25%) được FED đưa ra vào giữa tháng 3/2020 trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang chao đảo vì đại dịch Covid-19.

Như vậy, FED đã duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 10 lần liên tiếp sau hơn 01 năm qua nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống, vực dậy hoạt động sản xuất vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

my
FED quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ gần bằng 0 hiện nay. Ảnh: TL

Sau cuộc họp, FED đưa ra thông báo sẽ tiến hành 02 lần nâng lãi suất trước thời điểm cuối năm 2023. Trước đó, vào tháng 3/2021, FED đã phát đi thông báo rằng lãi suất cơ sở sẽ được duy trì ở mức gần 0% cho đến cuối năm 2023. Sự thay đổi trên xuất phát từ nhận định của FED về đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. FED đã nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2021 từ 6,5% (đưa ra hồi tháng 3/2021) lên 7% (mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần 40 năm qua).

Tuyên bố của FED nêu rõ: “Tiến triển tích cực của chương trình tiêm vaccine đã giảm sự lây lan của đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Chương trình tiêm vaccine có thể sẽ tiếp tục giúp giảm những tác động của cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đối với nền kinh tế. Song dù sao, rủi ro với triển vọng kinh tế Mỹ vẫn còn”.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch FED (ông Jerome Powell), chương trình mua trái phiếu khổng lồ trị giá 120 tỷ USD/tháng và áp lãi suất thấp vẫn sẽ được duy trì cho đến khi các số liệu phản ánh sự cải thiện dài hạn trên thị trường lao động. Ông cho biết: "FED sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ nền kinh tế của chúng ta tới chừng nào phục hồi hoàn toàn". Ngân hàng Trung ương Mỹ sẵn sàng chấp nhận "cái giá" lạm phát tăng cao trong một giai đoạn nhất định với hy vọng đưa người lao động trở lại với công việc.

Tuy nhiên, tình trạng lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng, cụ thể: lạm phát tại Mỹ đã tăng từ 1,4% trong tháng 01 lên mức 5% trong tháng 5/2021. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2008 trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng trong tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế. Áp lực này buộc các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc thu hẹp dần chương trình kích thích kinh tế.

Song hành cùng chính sách tài khoá

Bên cạnh chính sách tiền tệ, trong hơn 01 năm qua, Mỹ cũng đã triển khai chính sách tài khoá theo hướng mở nhằm hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp Mỹ được thể hiện thông qua các đạo luật do Chính phủ của cựu Tổng thống Donald Trump và của Tổng thống Joe Biden đưa ra.

Theo đó, chỉ trong 4 tháng năm 2020 từ tháng 01 đến tháng 04, Mỹ đã công bố 4 gói hỗ trợ kinh tế thông qua các dự luật kinh tế với tổng giá trị lên đến 2.596,3 tỷ USD. Ngoài ra, ngày 27/12/2020 Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành dự luật ngân sách Chính phủ trị giá 1.400 tỷ USD và Dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD.

Trong tháng 01/2021, tân Tổng thống Joe Biden đã đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và hệ thống y tế ứng phó với đại dịch và đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 3/2021.

Theo đó, mỗi người dân Mỹ sẽ được trợ cấp thêm 1.400 USD, trợ cấp thất nghiệp liên bang cũng tăng từ 300 USD lên 400 USD/tuần/người cho tới tháng 9/2021. Dự kiến gói kích thích này cũng cung cấp 50 tỷ USD cho công tác xét nghiệm Covid-19; 20 tỷ USD cho chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19; 350 tỷ USD được cấp cho chính quyền các bang và 170 tỷ USD cấp cho các trường học, cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo an ninh phòng chống covid-19.

Theo Tổng thống Biden và nội các của ông, kế hoạch cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đang giúp đưa nền kinh tế Mỹ đi đúng hướng sau thời gian suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tìm cách thuyết phục hai viện của Quốc hội thông qua kế hoạch tạo việc làm trị giá 2.300 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo trang Tradingeconomics.com, kinh tế Mỹ đã phục hồi trở lại khi tăng trưởng kinh tế (quý so với quý) tăng từ -2,4% trong quý 4/2020 lên -0,4% trong quý 1/2021./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam