Cảnh báo bong bóng bất động sản trên toàn cầu

20:49 | 15/06/2021 Print
Giá bất động sản trên khắp thế giới đang làm dấy lên những cảnh báo bong bóng chưa từng có kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, theo phân tích của Bloomberg Economics.

tl

Trong một báo cáo của Bloomberg Economics, New Zealand, Canada và Thụy Điển được xếp hạng là những thị trường nhà ở đắt giá nhất thế giới, dựa trên các chỉ số chính được sử dụng trong bảng điều khiển Bloomberg Economics. Anh và Mỹ cũng ở gần đầu bảng xếp hạng rủi ro. Những phân tích tập trung vào các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

"Một loạt các yếu tố kết hợp lại đang đẩy giá nhà lên mức cao chưa từng có trên toàn thế giới" - nhà kinh tế học Niraj Shah viết trong báo cáo. "Lãi suất thấp kỷ lục, các gói kích thích tài khóa chưa từng có, các khoản tiết kiệm do phong tỏa đi lại sẵn sàng được sử dụng để làm tiền trả trước, số nhà ở hạn chế và kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu" là những yếu tố chính được liệt kê. Ngoài ra, xu hướng những người làm việc tại nhà cần thêm không gian và các chính phủ ưu đãi thuế dành cho người mua nhà cũng đang thúc đẩy nhu cầu nhà ở.

Bloomberg Economics đã tổng hợp năm chỉ số để ước tính 'thứ hạng bong bóng' của một quốc gia, với số điểm càng cao hơn cho thấy nguy cơ điều chỉnh càng lớn hơn. Trong số các chỉ số, tỷ lệ giá trên giá thuê nhà và giá trên thu nhập giúp đánh giá tính bền vững của việc tăng giá. Đối với nhiều quốc gia trong OECD, các chỉ số đo về giá này cao hơn cả so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tại Mỹ, thị trường nhà ở chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ ngay trong đại dịch khi ngày càng nhiều người Mỹ tìm mua những ngôi nhà mới cách xa các trung tâm đô thị dày đặc. Lãi suất thế chấp thấp cũng góp phần duy trì tình trạng ồn ào đối với những ngôi nhà ở những khu vực ít dân cư. Lượng nhà bán ra vào năm 2020 đạt mức cao nhất kể từ năm 2006. Giá nhà đã tăng 9% trong năm 2020 và vẫn đang trên đà tăng mạnh, với giá trung bình của một ngôi nhà đạt mức cao lịch sử 329.100 USD vào tháng 3. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu chậm lại của thị trường này khi giá đã lên quá cao và các nhân viên đang dần trở lại các văn phòng ở trung tâm thành phố.

Tại Canada, cơn sốt bất động sản ở Canada bùng lên nhanh chóng từ đầu năm và chưa có dấu hiệu dịu bớt. Ngay cả khi giá chào bán trung bình tăng 44%, doanh số bán cũng không hề chậm lại, khi các căn nhà trống chỉ "có mặt" trên thị trường bằng 1 nửa thời gian so với năm trước. Nhiều người so sánh cơn sốt nhà cửa hiện nay với cơn sốt giấy vệ sinh thời điểm này năm trước.

Đây cũng là tình hình đang diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Giá nhà đất tăng vọt tại nhiều nơi trên thế khiến người mua hoảng loạn, ngay cả khi thế giới đang trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại khủng hoảng cách đây gần 1 thế kỷ. Tại 37 nước giàu có thuộc OECD, giá nhà trên thực tế đã tăng gần 7%, mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong hai thập kỷ qua. Giá nhà ở Anh đã tăng 8,5% vào năm 2020 so với năm 2019 - tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 2014.

Tuy nhiên, những động thái siết chặt của các chính phủ có thể là rủi ro sắp tới của thị trường khi chi phí đi vay bắt đầu tăng và nhiều biện pháp được áp dụng để bảo vệ sự ổn định tài chính. "Thị trường sẽ phải đối mặt với một phép thử quan trọng" - ông Shah nhận định.

Mặc dù các chỉ số đo rủi ro bất động sản tăng lên, song với lãi suất vẫn thấp, các tiêu chuẩn cho vay thường cao hơn so với trước đây và các chính sách an toàn vĩ mô được áp dụng, thì chuyên gia của Bloomberg cho rằng lý do dẫn đến sự sụp đổ bong bóng bất động sản vẫn chưa rõ ràng. Giai đoạn sắp tới nhiều khả năng sẽ bước sang thời kỳ nguội lạnh hơn là sụp đổ.

Dương An (tổng hợp từ Bloomberg)

Dương An (tổng hợp từ Bloomberg)

© Thời báo Tài chính Việt Nam