Ngân hàng trung ương Italy nâng dự báo tăng trưởng kinh tế

08:36 | 13/06/2021 Print
Ngân hàng Trung ương Italy dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong năm nay, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ.

italya

Ảnh minh họa

Cụ thể, Ngân hàng trung ương Italy dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2021, chưa tính đến dữ liệu kinh tế thuận lợi được công bố từ tuần trước.

So với dự báo do cơ quan thống kê quốc gia Italy (Istat) đưa ra vào ngày 4/6, ước tính trên tăng hơn nửa điểm phần trăm.

Đối với năm 2022 và 2023, ngân hàng này dự đoán mức tăng trưởng kinh tế Italy lần lượt là 4,5% và 2,3%.

Số liệu dự báo trên của Ngân hàng Trung ương Italy lạc quan hơn rõ rệt so với mức tương ứng được đưa ra hồi tháng Một, là tăng trưởng 3,5% năm 2021, 3,8% năm 2022 và 2,3% năm 2023.

Ngân hàng trung ương cho biết, sự phục hồi trên được thúc đẩy chủ yếu bởi hoạt động đầu tư nhờ niềm tin ngày càng cải thiện vào nền kinh tế Italy, mức lãi suất thấp và hàng tỷ euro dự kiến thu được từ gói hỗ trợ của EU.

Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và nền kinh tế của nước này suy giảm đáng kinh ngạc 8,9% vào năm ngoái.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế nước này gần đây đã trở nên sáng sủa hơn và quốc gia này dự kiến sẽ nhận được gần 200 tỷ euro (242 tỷ USD) từ quỹ phục hồi sau đại dịch của EU.

Khoản tiền này dự kiến sẽ được giải ngân theo từng đợt trong giai đoạn 2021-2026, bắt đầu từ nửa cuối năm nay.

Ngân hàng Trung ương Italy cho biết, dự báo của họ phụ thuộc vào tiến độ của chương trình tiêm chủng, cho phép dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch vào cuối năm nay.

Ngân hàng này cũng cho biết, các tính toán của họ dựa vào việc tiếp tục các gói kích thích tài khóa và tiền tệ cho nền kinh tế, cũng như không có sự chậm trễ đáng kể nào trong các dự án phục hồi được hỗ trợ bởi các quỹ quốc gia và EU.

Tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết kinh tế Italy đang "khao khát được khởi động lại" và "đối mặt với một giai đoạn mới" sau những tháng đại dịch đầy khó khăn.

Theo dữ liệu của Istat, trong một số dấu hiệu cho thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hoạt động sản xuất công nghiệp nước này đã trở lại mức trước đại dịch vào tháng 4/2021./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam