Đức cam kết giảm 65% lượng khí thải CO2 vào năm 2030

16:16 | 08/06/2021 Print
Thời gian cho việc đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu đang cạn dần. Chúng ta cần làm nhiều hơn, và nhanh hơn, ngay từ bây giờ. Thông điệp trên của Tổng thư ký Liên Hợp quốc đã được nhiều quốc gia lớn hưởng ứng, trong đó Đức là một trong những nước đi tiên phong.

Cảnh báo từ Liên Hợp quốc

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo thời gian đang cạn dần một cách nhanh chóng để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch COVID-19 cũng không góp phần phanh lại được biến đổi khí hậu. Cảnh báo trên được LHQ đưa ra sau khi Báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020" của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 19/4/2021 cho biết năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch COVID-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

duc
Nhà máy điện than non Neurath ở Grevenbroich, Đức. Ảnh: TL

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định báo cáo cho thấy 2020 là một năm "thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa". Ông Guterres nhấn mạnh: "Năm nay phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn, và nhanh hơn, ngay từ bây giờ".

Việc kiểm soát biến đổi khí hậu nói chung, khí carbon nói riêng là vấn đề mang tính toàn cầu, việc này chỉ có thể thành công khi có sự tham gia của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là quốc gia có tỷ lệ khí thải carbon cao, có ảnh hưởng và có tiềm lực tài chính mạnh như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… đã có những hành động cụ thể trước thềm Hội nghị khí hậu thế giới ở Glasgow (Scotland) vào cuối năm nay. Trong đó Đức là quốc gia đã có những bước đi cụ thể, quyết liệt.

Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Đức

Bảo vệ khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ Đức đang quyết liệt thực hiện thời gian qua. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang kêu gọi các nước cần có những giải pháp mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa trong lĩnh vực này. Phát biểu nhân ngày Môi trường thế giới 5/6, người đứng đầu Chính phủ cho biết Đức là quốc gia tiên phong trong Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu với những quyết tâm và những hành động mạnh mẽ, quyết liệt.

Giữa tháng 5/2021, nội các Đức đã thông qua dự thảo luật bảo vệ khí hậu mới với các quy định chặt chẽ hơn sau khi Tòa án Hiến pháp liên bang nước này yêu cầu siết chặt luật bảo vệ khí hậu. Với mục tiêu giảm 65% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và đạt trung hòa CO2 vào năm 2045 (thay vì giảm 55% và đạt trung hòa vào năm 2050 như dự thảo luật cũ), các biện pháp mà Đức triển khai bao gồm: quy định mức giá phát thải CO2 một cách hợp lý; loại bỏ việc sản xuất nhiệt điện than; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và chuyển sang sử dụng các loại xe chạy điện.

Để tạo sự thống nhất, Bà Merkel kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động một cách quyết đoán ngay từ bây giờ cũng như trong những năm tới đây, vì bảo vệ khí hậu chính là bảo tồn môi trường sống và sinh kế của loài người, không chỉ thế hệ hiện tại mà còn các thế hệ tương lai trên toàn thế giới. Do đó, theo Thủ tướng Đức các quốc gia cùng chung tay hành động, thực hiện nhiều biện pháp triệt để hơn nữa để bảo vệ khí hậu.

Người đứng đầu Chính phủ Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế rác thải nhựa. Theo bà Merkel, cuộc chiến chống rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường quan trọng nhất trên toàn thế giới hiện nay. Đây là vấn đề mang tính thời sự cao, nhiều sản phẩm dùng một lần như ống hút hoặc tăm bông sẽ không còn được phép sản xuất tại EU kể từ tháng 7 tới. Từ năm 2022, các loại túi ni lông nhẹ không còn được phép lưu thông trong EU. Thủ tướng Merkel cho rằng việc sử dụng túi ni lông tràn lan như hiện nay gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho môi trường, trong khi con người hoàn toàn có thể từ bỏ thói quen sử dụng loại sản phẩm này. Đây sẽ là điều rất tốt cho môi trường sống của con người.

Bên cạnh Đức, Anh (nước mới rời khỏi EU) cũng đã chính thức khởi động Chương trình Giao dịch khí thải vào cuối tháng 5/2021, thay thế sự tham gia của nước này vào hệ thống chung của EU. Chính phủ nước này đã tuyên bố rằng chương trình buôn bán khí thải CO2 mới sẽ đóng góp một phần đáng kể vào việc đạt được mục tiêu trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng có kế hoạch giảm 78% lượng khí thải gây ô nhiễm vào năm 2035 so với mức của năm 1990./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam