COVID-19 tới sáng 7/6: Trên 174 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiễm mới thấp nhất 2 tháng

06:45 | 07/06/2021 Print
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 300.000 ca nhiễm và trên 6.800 ca tử vong, nâng tổng ca mắc lên trên 174 triệu. Tình hình Ấn Độ đang chuyển biến tích cực với ca nhiễm mới thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Jabalpur, Ấn Độ.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Jabalpur, Ấn Độ.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7/6 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 174.028.784 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.742.979 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 314.573 và 6.873 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 157.293.010 người, 12.992.501 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.413 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (101.232 ca), Brazil (39.637 ca) và Colombia (24.050 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.445 ca), tiếp theo là Brazil (775 ca) và Colombia (539 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.210.223 triệu người, trong đó có 612.363 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 28.909.604 ca nhiễm, bao gồm 349.229 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 16.947.062 ca bệnh và 473.404 ca tử vong.

Ấn Độ: Ca nhiễm mới thấp nhất 2 tháng

Tại châu Á, đến 6h sáng 7/6, Ấn Độ ghi nhận 101.232 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức thấp nhất theo ngày tại nước này trong hơn hai tháng trở lại đây (kể từ ngày 4/4). Ấn Độ cũng ghi nhận 2.443 ca tử vong mới và đây cũng là mức thấp nhất trong 42 ngày.

Sau nhiều tuần phong toả, vùng lãnh thổ Delhi, bao gồm thủ đô New Delhi, đã thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế phòng dịch kể từ hôm nay, 7/6. Theo đó tất cả các cửa hàng, trung tâm thương mại sẽ được mở theo chính sách chẵn lẻ; một nửa số cửa hàng sẽ mở cửa vào một ngày và phần còn lại vào ngày kế tiếp kể từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối (giờ địa phương). Các chuyến tàu điện ngầm cũng sẽ hoạt động với 50% công suất.

Mỹ đã tiêm trên 300 triệu liều vaccine

Tính đến ngày 6/6, Mỹ đã tiêm chủng vượt mốc 300 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Cụ thể theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 81% trong tổng số 371.520.975 liều vaccine được phân phối đã được tiêm, đạt 300.268.730 mũi. CDC Mỹ cho biết, khoảng 51,3% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 41,6% dân số đã tiêm đủ hai liều.

Biến thể Delta lây nhiễm nhanh hơn 40% so với biến thể Alpha

Ngày 6/6, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 40% so với biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh). Tuy nhiên, những người đã được tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19 đều được bảo vệ trước hai biến thể này.

Theo các số liệu của Cơ quan Y tế công cộng England (PHE), biến thể Delta hiện đang được ghi nhận trong đa số ca nhiễm tại Anh. Trước đó, biến thể Alpha đã khiến nước Anh phải phong tỏa hồi tháng 2. Hiện nhiều người lo ngại nguy cơ biến thể Delta lây lan nhanh có thể đe dọa kế hoạch nới lỏng các biện pháp chống dịch dự kiến từ ngày 21/6 tới ở Anh.

Mỹ đã tiêm trên 300 triệu liều vaccine
Người dân di bộ dọc sông Thames tại London, Anh, ngày 1/6/2021

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hancock nhấn mạnh rằng những người đã tiêm đủ hai liều vaccine sẽ được bảo vệ trước biến thể Delta. Tháng trước, PHE cho biết nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm phòng đủ liều sẽ giúp bảo vệ con người trước cả hai biến thể này. Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang chững lại, rất ít trường hợp nhập viện sau khi đã tiêm đủ hai liều vaccine.

Đến nay, Anh đã tiêm phòng đủ hai liều cho hơn 27 triệu người (hơn 50% người trưởng thành) trong khi hơn 40 triệu người đã được tiêm 1 liều.

Canada: Cảnh báo nguy cơ biến thể Delta lây lan mạnh

B.1.617 -hay biến thể Delta, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ - đang "bén rễ" với tốc độ đáng báo động ở Canada. Một ổ dịch COVID-19 mới đây ở Newfoundland & Labrador đã ghi nhận ít nhất 60 ca nhiễm B.1.617, trong khi các đợt bùng phát của biến thể này cũng đã được phát hiện ở British Columbia, Quebec, Alberta và Ontario. Chuyên gia Troy Day thuộc Đại học Queen ở Kingston, Ontario, cho biết B.1.617 có thể sẽ trở thành biến thể "thống trị" ở Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada - vào tháng tới.

Một số chuyên gia dịch tễ lo ngại B.1.617 sẽ phơi bày những điểm yếu trong chiến lược ưu tiên những liều vaccine đầu tiên của Canada và có thể gây nguy hiểm cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung cấp vaccine của Canada đang tăng lên và liều tiêm thứ hai được đẩy nhanh trên toàn quốc, cũng có ý kiến cho rằng mối lo này đang bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng tình hình tại Canada hiện nay tốt hơn nhiều so với đầu năm nay.

Tính đến ngày 5/6, đã có hơn 2,7 triệu dân Canada, tương đương 7,1% dân số nước này, được tiêm chủng đủ liều. Canada hiện xếp thứ ba trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về tỷ lệ tiêm chủng, với 67,29 liều/100 dân, trong khi tỷ lệ này ở Vương quốc Anh - nước dẫn đầu G7 - là 98,33 liều/100 dân. Canada đã ghi nhận 1.391.172 ca nhiễm COVID-19, trong đó 25.714 người đã tử vong.

Italy chạm mức 600.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày

Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Italy tiếp tục được đẩy mạnh khi ngày 5/6, Italy đã chạm ngưỡng kỷ lục 600.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Italy, tính đến 6h sáng ngày 6/6, Italy đã đạt kỷ lục về số lượt tiêm chủng mỗi ngày với 598.510 lượt, trong đó 444.639 lượt tiêm chủng liều đầu tiên và 153.871 lượt tiêm liều thứ hai. Vaccine Pfizer chiếm tỷ lệ cao nhất với 447.388 liều, tiếp đến là AstraZeneca với 58.178 liều, Moderna (52.849) và Johnson & Johnson (40.095).

Trong một thông báo, Tướng Francesco Paolo Figliuolo, Ủy viên phụ trách tình trạng khẩn cấp COVID-19 cho biết Italy hiện đứng thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Đức, về số người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Italy bắt đầu triển khai từ ngày 27/12/2020. Theo dữ liệu trong 7 ngày qua, Italy đạt khoảng 491.538 lượt tiêm chủng mỗi ngày và với nhịp độ này, Italy sẽ mất khoảng 3 tháng nữa để đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào tháng 9 tới.

Pakistan: Ca nhiễm mới thấp nhất trong 3 tháng

Trong khi đó, Pakistan cũng thông báo ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 3 tháng (1.629 ca). Cùng ngày, Bộ Y tế Mông Cổ đã ghi nhận trẻ em đầu tiên tử vong vì COVID-19 là một bé gái 8 tuổi. Bộ trên cho biết tỷ lệ xét nghiệm dương tính đang tăng lên đáng kể, đồng thời kêu gọi mọi người tuân thủ các chỉ dẫn y tế.

Trung Quốc: Cách ly toàn bộ công nhân nước ngoài tại công ty chip trên đảo Đài Loan

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Miêu Lật (Miaoli) trên đảo Đài Loan thông báo cách ly toàn bộ công nhân nước ngoài tại công ty đóng gói chip lớn nhất King Yuan Electronics nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Công ty King Yuan là nơi tập trung hầu hết ca nhiễm ghi nhận ở thành phố Miêu Lật. Hiện 206 công nhân đã được xác nhận nhiễm tại ổ dịch ở Miêu Lật, hầu hết là lao động nhập cư người nước ngoài như Philippines, Indonesia...

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 1/5/2021.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 1/5/2021.

Cùng ngày, khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã ghi nhận ca mắc mới, chấm dứt chuỗi 42 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, ca nhiễm mới này là một thiếu nữ 17 tuổi ở Tin Shui Wai, được chẩn đoán nhiễm biến thể dạng đột biến gen N501Y (biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y). Đây là một trong 3 đột biến đáng lo ngại nhất của các loại biến thể virus SARS-CoV-2 bởi nó làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%.

Đây là trường hợp đầu tiên mắc đột biến gen N501Y mà không rõ nguồn lây tại Hong Kong. Chính quyền Hong Kong cho biết ca bệnh mới là dấu hiệu cảnh báo của làn sóng bùng phát dịch thứ 5 tại đặc khu này, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Campuchia: Số ca nhiễm mới lại tăng cao

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia vẫn diễn biến phức tạp với 11 ca tử vong được Bộ Y tế công bố trong ngày 6/6 dù lần đầu tiên trong tuần này, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh cao hơn số ca nhiễm mới.

Tính đến chiều 6/6, Campuchia có thêm 631 ca nhiễm mới COVID-19 và 1.069 trường hợp bình phục. Tổng số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước là 34.244 người, trong đó 263 trường hợp đã tử vong.

Tại các địa phương của Campuchia, tối 5/6, tỉnh Kratie đã công bố ca tử vong đầu tiên do bệnh COVID-19 là một phụ nữ 57 tuổi ở làng Wat, xã Koh Chreng. Trong khi đó, tại tỉnh Preah Sihanouk, huyện Prey Nop vẫn được quản lý theo cấp độ “Khu vực Vàng” như thành phố Preah Sihanouk. Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk, ông Kuoch Chamroeun khẳng định nhà chức trách sẽ có biện pháp trấn áp mạnh mọi cuộc tụ tập đông người trong tỉnh, đặc biệt là hoạt động đánh bạc. Kể từ sau “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, số ca lây nhiễm COVID-19 tại tỉnh này đã lên tới 4.579 trường hợp, trong đó 3.304 người đã bình phục và 10 ca tử vong.

Thái Lan bắt đầu tiêm chủng đại trà

Ngày hôm nay, 7/6, Chính phủ Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng trên toàn quốc với hy vọng đến cuối tháng 12 sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm, bất chấp việc nhiều bệnh viện phàn nàn về nguồn cung ít ỏi hiện nay.

Chính phủ Thái Lan đang tiến hành các cuộc thương lượng để mua 25 triệu liều vaccine của hãng Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.

Hiện nay, Thái Lan mới chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca và 6 triệu liều của công ty Sinovac (Trung Quốc). Truyền thông sở tại ngày 5/6 dẫn lời Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết nếu có thêm 8 triệu liều vaccine Sinovac cùng 25 triệu liều Pfizer và Johnson & Johnson, Thái Lan sẽ đạt được mục tiêu 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện.

Thái Lan cũng đang nỗ lực phát triển 3 loại vaccine phòng COVID-19 nội địa, giúp ích cho những nỗ lực lâu dài nhằm ngăn chặn COVID-19 và nâng cao khả năng của đất nước chống lại những căn bệnh như vậy trong tương lai.

Indonesia chuẩn bị triển khai "bong bóng du lịch"

Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị thực hiện chính sách "bong bóng du lịch" với một số nước thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và có thỏa thuận thiết lập hành lang du lịch với quốc gia Đông Nam Á này.

Ngày 6/6, ông Sonny Harmadi, quan chức thuộc Lực lượng Đặc nhiệm xử lý COVID-19, cho biết “bong bóng du lịch” sẽ giúp người dân và du khách tự do đi lại và được miễn yêu cầu tự cách ly khi nhập cảnh. Theo ông, có 3 khu vực được ưu tiên nối lại hoạt động du lịch bao gồm Bintan, Batam ở tỉnh Quần đảo Riau và Bali. Hiện chính phủ đang hoàn thiện quy định triển khai “bong bóng du lịch” ở ba khu vực này.

Tại thiên đường du lịch Bali, các “vùng xanh” sẽ được thiết lập ở các thị trấn Sanur, Ubud và Nusa Dua. Trong khi đó, ở Quần đảo Riau, chính phủ sẽ thiết lập vùng xanh ở 3 khu nghỉ dưỡng trên đảo Bintan và một số sân golf trên đảo Batam.

Malaysia mở 4 siêu trung tâm tiêm chủng

Theo Straits Times, ngày 7/6, Malaysia sẽ khai trương thêm 4 siêu trung tâm tiêm chủng tại khu vực Klang Valley, vốn bao gồm cả thủ đô Kuala Lumpur, nơi sinh sống của 1/4 dân số cả nước. 4 trung tâm trên có thể phục vụ 23.000 người tiêm khi hoạt động đầy đủ.

Hiện tại siêu trung tâm tiêm chủng duy nhất của Malaysia đặt tại Trung tâm triển lãm thương mại quốc tế ở Segambut, ngoại ô Kuala Lumpur, đang phục vụ khoảng 2.000 người/ngày.

Trong một diễn biến khác, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hisham Abdullah cho biết nước này sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn Shenzhen Kangtai Biological Products của Trung Quốc sản xuất.

Bên cạnh Malaysia và Trung Quốc, các nước Colombia, Argentina, Pakistan, Philippines và Ukraine cũng tham gia thử nghiệm tương tự.

Về tình hình dịch bệnh, trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 7.452 ca nhiễm mới và 109 người tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 610.574 ca và 3.291 ca. Theo Bộ trưởng Y tế Adham Baba, tính đến ngày 4/6, Malaysia đã tiêm tổng cộng 3,42 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 2,29 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và 1,13 triệu người khác đã tiêm đủ 2 liều.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam