Thị trường chứng khoán toàn cầu và đồng USD diễn biến trái chiều

16:35 | 03/06/2021 Print
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang trải qua giai đoạn tăng điểm mạnh bởi kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế tại hầu hết các khu vực. Trong khi chính sách tài khoá, tiền tệ mở của Mỹ cũng như các chỉ báo tích cực của nền kinh tế khiến đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh

Tiếp nối đà tăng điểm của tháng 4, kết thúc tháng 5/2021, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu nhìn chung tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng điểm, đặc biệt là chứng khoán Mỹ.

Theo Bloomberg, trong tháng 5/2021 TTCK tại hầu hết các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều chứng kiến những giao dịch tích cực, ngoại trừ Nhật Bản. Cụ thể, trong số các chứng khoán Mỹ tăng điểm thì chỉ số Dow Jones tăng cao nhất, ở mức 1,22%, kế sau là S&P 500 tăng 0,27% còn Nasdaq lại giảm 1,05%. So với tháng 01/2021, các chứng khoán trên cũng thể hiện xu hướng tăng điểm mạnh, chỉ số Dow Jones tăng 15,16%, S&P tăng 13,19% và Nasdaq tăng 5,19%. So với tháng 5/2020, chỉ số Nasdaq tăng 44,88%, Dow Jones tăng 36,03% và S&P tăng 38,10%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, TTCK Mỹ tiếp tục thể hiện xu hướng tăng điểm mạnh, trong đó, chỉ số Dow Jones tăng 14,25%, Nasdaq tăng 8,27% và S&P tăng 9,92%.

ck
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục thể hiện xu hướng tăng điểm mạnh. Ảnh: TL

Nguyên nhân chính góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục có những phiên tăng điểm trong tháng 5 cũng như trong 5 tháng đầu năm 2021 chính là nhờ nền kinh tế Mỹ đã phục hồi một cách lạc quan, theo đó GDP của quý 1/2020 (quý so với quý) đã tăng lên mức 6,4%, tăng so với mức 4,3% của quý 4/2020.

Tại khu vực châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 11,59% trong tháng 5/2021, tăng 9,60% so với tháng 01/2021, và tăng 15,57% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số này vẫn thể hiện xu hướng tăng điểm khi tăng 6,86%.

Xu hướng tăng điểm rải đều khắp châu lục khi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong tháng 5/2021, chỉ số MSCI AC Asia Pacific tăng 1,66%, còn CSI 300 của Trung Quốc tăng 5,34%. So với tháng 5/2020, hai chứng khoán này cũng chứng kiến sự tăng điểm mạnh khi lần lượt tăng 38,80% và 37,87%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số MSCI AC Asia Pacific tăng 4,54%, còn CSI 300 giảm 0,69%.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 Future mặc dù có sự giảm nhẹ trong tháng 5/2021 khi giảm 1,61%, nhưng tăng 4,33% so với tháng 01/2021 và tăng 31,91% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số Nikkei 225 Future cũng tăng 5,9%. Nguyên nhân chính khiến cho chứng khoán của Nhật Bản có sự giảm nhẹ trong tháng 5/2021 là do Chính phủ tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và các khu vực đến ngày 20/6/2021.

Đồng USD giảm so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt

Theo Bloomberg, trong tháng 5/2021, đồng USD có xu hướng giảm giá đối với các đồng tiền chủ chốt như đồng EUR, GBP, SGD, CNY, KRW, trong khi tăng nhẹ so với các đồng tiền JPY, AUD. Cụ thể, đồng bạc xanh giảm 1,33% so với EUR, giảm 2,13% so với GBP, giảm 1,45% so với CNY, giảm 0,59% so với SGD, giảm 1,10% so với KRW nhưng tăng 0,47% so với đồng JPY và tăng 0,37% so với đồng đô la Úc.

So với tháng 01/2021, đồng USD thể hiện xu hướng giảm điểm là chính, ngoại trừ so với đồng JPY. Theo đó, đồng USD giảm 0,87% so với đồng EUR, giảm 3,55% so với BBP, giảm 0,91% so với CNY, giảm 0,55% so với SGD, giảm 1,16% so với AUD. Ngược lại, đồng USD tăng 4,68% so với đồng JPY.

So với tháng 5/2020, đồng USD thể hiện xu hướng giảm điểm, ngoại trừ so với JPY. Cụ thể, đồng USD giảm 9,18% so với đồng EUR, giảm 13,08% so với GBP, giảm 10,74% so với CNY, giảm 6,49% so với SGD, giảm 7,56% so với KRW và đặc biệt giảm 13,77% so với AUD.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, đồng USD cũng có xu hướng giảm điểm, ngoại trừ so với đồng JPY và đồng KRW. Theo đó, đồng USD giảm 8,7% so với đồng EUR, giảm 3,8% so với GBP, giảm 1,4% so với CNY, giảm 0,01% so với SGD; nhưng tăng 2,3% so với AUD và tăng 6,2% so với đồng JPY.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự giảm giá của đồng USD là do Mỹ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng chi cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các gói kích thích khổng lồ được tung ra hồi đầu năm càng làm tăng thêm lượng đồng USD trong nền kinh tế. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ vừa được công bố tăng 3,1% so với một năm trước đó. Đây là mức cao hơn kỳ vọng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4 và cao hơn mục tiêu danh nghĩa của Fed là 2% là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy đà giảm giá của đồng USD/.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam