Sức ép lạm phát tại khu vực các nước mới nổi và đang phát triển

09:20 | 28/05/2021 Print
Trong những tháng đầu năm 2021, với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu cộng với các biện pháp kích thích kinh tế của các quốc gia, đà tăng giá tiếp tục được mở rộng tại khu vực các nước mới nổi và đang phát triển.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát tại khu vực các nước mới nổi và đang phát triển đạt mức 4,9% trong năm 2021. Trong đó, tại khu vực các nước mới nổi và đang phát triển châu Âu đạt mức 6,5%, tăng 1,1% so với năm 2020; tại khu vực các nước mới nổi và đang phát triển châu Á lạm phát được dự báo ở mức 2,3% trong năm 2021.

Tại Trung Quốc: Lạm phát tăng từ mức -0,3% trong tháng 01 lên 0,9% trong tháng 4/2021. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, trong bối cảnh chi phí hàng hóa của một số nhóm tăng nhanh hơn như nhóm phi thực phẩm (1,3% so với 0,7% trong tháng 3); vận tải và thông tin liên lạc (4,9% so với 2,7%); quần áo (0,2% so với 0,1%); thuê nhà, nhiên liệu và điện nước (0,4% so với 0,2%).

IMF dự báo lạm phát tại Trung Quốc đạt mức 1,2% trong năm 2021, và tiếp tục tăng lên mức 1,9% trong năm 2022.

ấn độ
Lạm phát tăng đã tác động đến phát triển kinh tế của Ấn Độ. Ảnh: TL

Tại Ấn Độ: Lạm phát tăng từ mức 4,1% trong tháng 01 lên 4,3% trong tháng 4/2021. Nếu so với tháng trước thì lạm phát có chút giảm nhẹ nhưng nhìn chung 4 tháng đầu năm 2021 thì lạm phát vẫn theo xu hướng tăng, trong đó nhóm tăng tốc là nhiên liệu và ánh sáng (7,91% so với 4,5%) và nhà ở (3,73% so với 3,5%).

Thống đốc ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết quỹ đạo lạm phát trong tương lai của Ấn Độ sẽ được định hình theo diễn biến của đại dịch Covid-19, nhưng áp lực do giá cả hàng hóa toàn cầu vẫn là mối lo ngại.

Tại khu vực ASEAN-5: Cũng theo IMF, lạm phát tại khu vực ASEAN-5 dự báo tăng cao trong năm 2021 khi đạt mức 2,3%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2020 và tiếp tục tăng lên mức 2,7% vào năm 2022.

Tại Malaysia, lạm phát hàng năm của nước này đã tăng vọt lên mức 4,7% trong tháng 4/2021, cao hơn nhiều so với mức -0,2% của tháng 01/2021 và cao hơn mức 1,7% của tháng trước đó. Đây là tháng tăng giá tiêu dùng thứ ba liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 3/2017, trong bối cảnh giá vận tải tăng vọt (27,0% so với 9,8% trong tháng 3) do giá nhiên liệu tăng nhanh hơn.

Ngoài ra, giá lương thực tăng nhanh hơn (1,9% so với 1,5%), trong khi giá nhà ở phục hồi mạnh (3,1% so với -0,8%). Bên cạnh đó, áp lực tăng giá đến từ đồ nội thất, thiết bị gia dụng và bảo trì định kỳ (1,6% so với 0,9%), dịch vụ giải trí và văn hóa (0,7% so với 0,5%), đồ uống có cồn và thuốc lá (0,7% so với 0,6%), hàng hóa và dịch vụ khác (1,2% so với 1,0%).

IMF dự báo lạm phát tại Malaysia đạt mức 2,0% trong hai năm 2021 và 2022, tăng so với mức -1,1% trong năm 2020.

Tại Thái Lan, lạm phát tăng từ -0,34% trong tháng 01 lên 3,41% trong tháng 4/2021, cao hơn mức ước tính của thị trường là tăng 2,5%. Đây là lần tăng giá tiêu dùng đầu tiên trong 14 tháng và là lần tăng giá cao nhất kể từ tháng 12/2012, khi tiêu thụ phục hồi sau đại dịch Covid-19. Giá thực phẩm tăng 0,4%, mức tăng đầu tiên trong ba tháng, sau khi giảm 0,26% trong tháng 3. Ngoài ra, giá vận tải tăng nhanh hơn nhiều (10,21% so với 5,43%), phần lớn là do phương tiện và hoạt động của phương tiện.

IMF dự báo lạm phát tại Thái Lan tăng lên mức 1,3% trong năm 2021, tăng so với mức -0,8% trong năm 2020, và năm 2022 là 1,0%.

Tại Indonesia, lạm phát hàng năm đã tăng lên mức 1,42% trong tháng 4/2021, cao hơn so với mức 1,37% của tháng 3/2021. Áp lực tăng giá chủ yếu do sự tăng nhẹ của một số mặt hàng như thực phẩm, đồ uống và thuốc lá (2,33% so với 2,22%); giao thông (1,01 % so với 0,59%). Đồng thời, giá dịch vụ ăn uống và nhà hàng cũng tăng (2,35% so với 2,32% trong tháng 3); quần áo và giày dép (0,89% so với 0,73%); đồ nội thất (1,41% so với 1,23%) và giáo dục (1,57% so với 1,56 %); trong khi giá thông tin, truyền thông và dịch vụ tài chính tăng ở mức (0,03% so với -0,31%).

IMF dự báo lạm phát năm 2021 tại Indonesia có khả năng bằng với mức 2,0% của năm 2020, nhưng tăng mạnh lên mức 3,1% trong năm 2022.

Tại Philippines, tỷ lệ lạm phát tăng từ 4,2% trong tháng 01 lên 4,5% trong tháng 4/2021, chủ yếu do giá nhà ở tăng nhanh hơn (1,5% so với 0,9%); giao thông (17,9% so với 13,8%); nội thất (2,1% so với 1,9%); y tế (3,1% so với 2,9%); thông tin liên lạc (0,3% so với 0,2%); nhà hàng và hàng hóa và dịch vụ khác (3,4% so với 3,1%).

IMF dự báo lạm phát năm 2021 tại Philippines đạt mức 3,4%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2020, năm 2022 là 3,0%.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát của thế giới vẫn được dự báo tăng trong thời gian tới trong bối cảnh kế hoạch tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ tại nhiều quốc gia và sự phục hồi ấn tượng của kinh tế toàn cầu. Do đó, khu vực các nước mới nổi và đang phát triển nói riêng và các nền kinh tế khác nói chung cần theo dõi sát diễn biến của lạm phát để có những biện pháp ứng phó kịp thời./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam