COVID-19 tới sáng 27/5: Thế giới vượt 3,5 triệu ca tử vong; biến chủng Ấn Độ xuất hiện ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ

07:13 | 27/05/2021 Print
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 536.161 trường hợp mắc COVID-19 và 11.644 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 169 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,5 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Surabaya, Đông Java

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 13/5/2021.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 169.050.080 ca, trong đó có 3.511.229 người tử vong.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 150.779.297 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 14.784.847 ca và 94.340 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 26/5, thế giới có tới 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 606.126 ca tử vong trong tổng số 33.967.669 ca nhiễm. Nước có số ca mắc nhiều thứ hai là Ấn Độ với 27.367.935 ca bệnh và 315.263 ca tử vong. Diễn biến tại Ấn Độ vẫn phức tạp khi ngày 26/5 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trở lại mức trên 200.000 ca. Brazil đứng thứ 3 với 16.274.695 bệnh nhân nhưng có số ca tử vong nhiều thứ 2 sau Mỹ, với 454.428 ca.

Trung Quốc đại lục ngày 26/5 thông báo đã ghi nhận thêm 13 ca mắc mới trong ngày 25/5, giảm so với con số 15 ca một ngày trước đó. Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong số ca mắc mới có một ca lây nhiễm trong cộng đồng và không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 91.019 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh trở lại mức cao nhất trong gần 2 tuần qua khi một số ổ dịch xuất hiện lẻ tẻ cùng với những ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 26/5 công bố thêm 707 ca mắc mới, trong đó có 684 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 137.682 ca.

Đây là lần đầu tiên trong gần 2 tuần qua số ca mắc mới tại Hàn Quốc vượt 700 ca/ngày. Ngoài ra, với việc ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong, tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại Hàn Quốc tăng lên 1.940 người. Tỷ lệ tử vong tại nước này hiện là 1,41%. Trong bối cảnh số ca mắc tiếp tục gia tăng, Hàn Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Đến nay, 1,9 triệu người, tương đương 3,8% trong tổng 52 triệu dân Hàn Quốc, đã được tiêm đủ liều vaccine. Tổng cộng 3,9 triệu người, tức 7,7% dân số, đã được tiêm một mũi vaccine.

Tại Australia, bang đông dân thứ hai Victoria đã ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất trong hơn 7 tháng qua với 6 ca ghi nhận được trong ngày 26/5. Chính quyền bang cho biết hơn 300 người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm đã được xác định, trong đó nhiều người đã đến những địa điểm đông đúc.

Ổ dịch mới xuất phát từ một ca nhập cảnh nhiễm biến thể của virus được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Người này đã kết thúc cách ly ở bang Nam Australia và đến thủ phủ Melbourne trong tháng này nhưng lại có xét nghiệm dương tính 6 ngày sau khi hết cách ly.

Ở châu Âu, Chính phủ Bỉ ngày 26/5 thông báo tạm ngừng sử dụng loại vaccine 1 liều của hãng Johnson&Johnson cho người dưới 41 tuổi liên quan đến 1 trường hợp tử vong do phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng. Chính phủ Bỉ sẽ chờ khuyến cáo cụ thể của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) về những lợi ích và nguy cơ của loại vaccine này trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.

Hiện tại, trong số 11,5 triệu dân tại Bỉ, có trên 1,7 triệu người được tiêm đủ liều vaccine (chiếm 15,3% dân số) và hơn 4,4 triệu người đã được tiêm liều vaccine thứ nhất (38,5%). Vương quốc Bỉ đặt mục tiêu 70% dân số nước này được tiêm phòng đầy đủ vào cuối mùa hè năm nay. Bỉ là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Kể từ đầu đại dịch tới này, nước này ghi nhận 1.050.677 ca mắc COVID-19 (chiếm gần 9% dân số), trong đó có 24.873 ca tử vong.

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 26/5 đã công bố các bước tiếp theo để nới lỏng những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 lần đầu tiên kể từ tháng 10/2020.

Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Toronto, Canada
Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Toronto, Canada ngày 24/5/2021.

Theo thông báo, các nhà hàng sẽ được phép phục vụ khách trong nhà kể từ ngày 31/5 tới. Mỗi bàn được phép phục vụ tối đa 4 người, trong khi không gian ngoài trời, mỗi bàn có thể được phục vụ tới 6 khách. Giới hạn cho các cuộc tụ tập ngoài trời, cả ở nơi công cộng và riêng tư, sẽ được nâng lên tối đa lần lượt là 300 và 50.

Các sự kiện công cộng trong nhà cũng được phép tổ chức lên đến 100 người với các điều kiện an toàn và vệ sinh được thực hiện. Khẩu trang vẫn bắt buộc ở trong nhà và bên ngoài khi không thể giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa mọi người.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng quyết định dỡ bỏ quy định bắt buộc làm việc tại nhà và "bật đèn xanh" cho các khóa học trực tiếp tại các trường đại học và cao đẳng. Đối với các doanh nghiệp xét nghiệm cho nhân viên của mình mỗi tuần một lần, làm việc tại nhà sẽ được đổi thành "khuyến nghị" chứ không còn là "quy định".

Các sự kiện thể thao sẽ được nối lại đầy đủ cho khán giả vào cuối tháng 8, sau một loạt các thử nghiệm với số lượng khán giả hạn chế bắt đầu từ tháng 6.

Tại khu vực Mỹ Latinh, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước. Ngoài Brazil đã đề cập đến ở trên, tổng số ca tử vong tại Argentina đã vượt 75.000 ca và hiện ở mức 75.056 ca sau khi nước này ghi nhận thêm 576 ca tử vong. Số ca mắc tại quốc gia này tăng thêm 24.601 ca lên 3.586.736 ca. Kể từ ngày 29/12/2020 đến nay, Argentina đã tiêm hơn 11,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Số bệnh nhân COVID-19 tại Cuba đã vượt 135.000 người sau khi nước này ghi nhận thêm 1.291 ca mắc mới. Bộ Y tế công cộng Cuba cũng thông báo có thêm 11 ca tử vong, theo đó nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi ở nước này lên 901 người. Bộ này đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine đại trà cho người dân. Đến nay, hơn 770.000 người Cuba đã được tiêm vaccine.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/5 công bố báo cáo cho biết biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (biến thể B.1.617) đã được chính thức ghi nhận xuất hiện tại 53 vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật hằng tuần của WHO, ngoài các vùng lãnh thổ trên, cơ quan này còn tiếp nhận nguồn tin chưa chính thức cho biết đã phát hiện biến thể B.1.617 tại 7 vùng lãnh thổ khác. Như vậy, biến thể này đã xuất hiện tại 60 vùng lãnh thổ.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 21.516 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 76.740 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 26/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 63 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN).

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không có biến động nào.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 26/5 ghi nhận thêm trên 2.450 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 41 người.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 660 bệnh nhân mới và 7 ca tử vong trong ngày 26/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 76.747 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 406 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.903.113 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.550.608 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca.

Ngày 26/5, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo AstraZeneca sẽ phải bồi thường thiệt hại lên tới hàng tỷ euro nếu công ty này không tăng lượng cung vaccine ngừa COVID-19 vào tháng tới.

Trong thông báo, luật sư của EU - ông Rafael Jafferali nói rằng Ủy ban châu Âu (EC) muốn AstraZeneca phải trả mức phạt 10 euro/liều/ngày nếu hãng này không cung cấp cho khối số lượng 20 triệu liều vaccine bổ sung vào cuối tháng 6. Ông nhấn mạnh công ty “thậm chí không cố gắng tôn trọng hợp đồng” với EU.

Yêu cầu bồi thường trên là một phần trong vụ kiện của EC nhằm buộc AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vaccine trong quý II năm nay, thay vì 70 triệu liều theo kế hoạch hiện tại. Động thái này là bước mới trong bất đồng giữa EU và AstraZeneca về sự thiếu hụt nguồn cung theo hợp đồng cung cấp 300 triệu liều vaccine giữa hai bên.

Ban đầu, AstraZeneca dự kiến cung cấp 300 triệu liều vaccine cho EU trong 6 tháng đầu năm nay, song kế hoạch này đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 100 triệu liều do công ty gặp khó khăn về sản xuất. EC muốn tòa án yêu cầu AstraZeneca nâng con số này lên 120 triệu liều.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam